Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân

Cập nhật: 19:58 ngày 17/05/2017
Phát biểu tại cuộc họp báo Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) chiều 17-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. 
{keywords}

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo.

Hội nghị lần này có thể coi là sự kiện gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng với cộng đồng DN có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 10.000 đại biểu tham gia. Trong đó riêng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã có hơn 2.000 đại biểu, tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, mỗi nơi có hơn 100 đại biểu.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của đông đảo cộng đồng DN, trong đó phần lớn là các DN vừa và nhỏ, DN kinh tế tư nhân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh một số nét chính về Hội nghị. Trong đó, Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các DN Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị hôm nay là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Trung ương.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. Tinh thần này được quán triệt ngay từ khâu tổ chức, khi các đại biểu từ khối DN tư nhân chiếm tuyệt đại đa số tại Hội nghị.

Cụ thể, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu DN tư nhân. "Chúng ta đã xác định DN là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển DN, nhưng DN tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này" -  Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Hội nghị thống nhất đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng DN, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với DN, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển; tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng: "Việc hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên, khởi nghiệp, sáng tạo có ý nghĩa vô cùng to lớn, việc khơi gợi và thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, khát vọng, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của các quốc gia khởi nghiệp".

Liên quan đến việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, phải căn cứ vào mục tiêu Nghị quyết 35 đã đề ra. Nghị quyết 35 đặt mục tiêu tới năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thực tế sau một năm triển khai Nghị quyết 35, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100, với số vốn đăng ký hơn 900 nghìn tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40.000 DN  thành lập mới.

Theo cam kết của các địa phương về phát triển DN, tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu DN. Đây là một minh chứng cho môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển DN tiếp tục được cải thiện, là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng đạt được mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có 734 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Xuân Thân/VOV


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...