Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kích cầu kiến thiết nông thôn

Cập nhật: 07:00 ngày 20/05/2017
(BGĐT) - Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng KT-XH nông thôn được xây dựng. Đáng quan tâm, từ nguồn vốn này thu hút sự chung tay của toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng cuộc sống ở các vùng quê. 
{keywords}

Diện mạo nông thôn mới ở xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Nhân dân hợp sức

Là xã thuần nông, điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn nhưng trong triển khai xây dựng NTM, xã Phúc Hòa (Tân Yên) đã huy động tối đa nguồn đóng góp của bà con để làm đường giao thông nông thôn. Với phương châm "không làm quá sức dân", những con đường liên thôn, liên xóm chia thành từng đoạn và mỗi đoạn làm trong khoảng thời gian nhất định. Công sức, kinh phí đóng góp trong mỗi đợt làm đường vừa phải, phù hợp với thu nhập nên người dân vui vẻ tham gia. 

Bằng cách làm sáng tạo, đông đảo nhân dân đã nhập cuộc với tinh thần “nhà nhà làm NTM, người người làm NTM”. “Tích tiểu thành đại”, để về đích, 5 năm qua, xã triển khai 63 công trình với tổng kinh phí hơn 82 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 20 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác. Chỉ tính riêng năm 2016, xã đã huy động bà con góp 12 tỷ đồng cứng hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa và thực hiện tiêu chí về môi trường. 

Ông Trần Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để huy động sự đóng góp của người dân xây dựng NTM, bên cạnh công tác tuyên truyền, cách làm dân chủ, công khai, minh bạch thì yếu tố quyết định là nguồn vốn kích cầu từ T.Ư, tỉnh và huyện. Chính từ nguồn vốn này đã thu hút sự chung tay của cộng đồng”.

Diện mạo NTM ở thôn Phấn Lôi, xã Thắng Cương (Yên Dũng) cũng đổi thay từng ngày từ khi xây dựng NTM. Thời điểm bắt tay xây dựng, thôn có 11/16 tiêu chí đạt, còn lại là những tiêu chí khó, phải đầu tư cao như: Quy hoạch đồng ruộng, xây dựng đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường. Lúc đó, cấp ủy, ban quản lý thôn băn khoăn bởi nguồn lực hỗ trợ không nhiều, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. 

Trước thực tế đó, Chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, tổ chức quán triệt, cùng bàn và thống nhất giải pháp vận động nhân dân. Với ý thức trách nhiệm cao, các đảng viên đã vận động gia đình, người thân chủ động góp kinh phí, tạo khí thế thi đua giữa các hộ.  Thôn đã huy động nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, cứng hóa toàn bộ đường giao thông, kênh mương; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng... 

Không còn tư tưởng trông chờ

5 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM toàn tỉnh Bắc Giang gần 15 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư, trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh, huyện chiếm 13,7%; còn lại là nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, huy động đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Lê Bá Thành, nếu các địa phương không làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu được ý nghĩa của chủ trương xây dựng NTM là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn tại khu vực nông thôn sẽ khó có thể vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ kinh phí. Điều có ý nghĩa trong việc phát huy người dân chung sức là nhờ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mọi người mạnh dạn đầu tư vào sản xuất… nên đã huy động được nhiều nguồn lực khác cùng tham gia.

Thực tế, trong tổng số vốn huy động xây dựng NTM từ 2011 đến nay của huyện Lục Ngạn, vốn nhân dân đóng góp hơn 65 tỷ đồng, chiếm 43,6%. Tương tự, tại huyện Việt Yên, ngân sách T.Ư, tỉnh và huyện chỉ chiếm gần 20% tổng số vốn đầu tư xây dựng NTM.

Kinh nghiệm ở các địa phương cho thấy, ở đâu cấp ủy vào cuộc quyết liệt, lựa chọn đúng những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện thì ở đó bài toán khó trong xây dựng NTM tìm được lời giải. Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đức Hiền cho rằng, nhờ nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, cán bộ công chức, đoàn viên, đặc biệt là hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương. Trong đó, Nhà nước quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xây dựng mô hình, đào tạo nghề cho nông dân sản xuất; xây dựng chính sách, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, bỏ vốn phát triển sản xuất. Từ đó khắc phục tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách. 

Khi nhận thức được xây dựng NTM là cho chính gia đình, vùng quê mình và hiểu rõ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân không ngại bỏ vốn, ngày công tham gia, bởi việc làm này là để thu nhập của người dân tăng thêm, nâng cao đời sống và tinh thần, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...