Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Góc Ảnh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dưa lê siêu ngọt Lục Nam - Sản lượng giảm, giá bán tăng

Cập nhật: 13:52 ngày 24/05/2017
(BGĐT) - Với ưu điểm vỏ mỏng, cùi giòn; vị ngọt đậm, thơm, dưa lê siêu ngọt Lục Nam (Bắc Giang) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa thích. Mặc dù sản lượng dưa năm nay giảm, song giá bán lại tăng hơn từ 2-3 nghìn đồng/kg so với các năm trước.

{keywords}
Nông dân thôn  Mỹ Hà, xã Chu Điện (Lục Nam) thu hoạch dưa lê.

{keywords}

<< Xem video tại đây

Chúng tôi có mặt tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) đúng dịp bà con nông dân đang tất bật thu hoạch dưa lê. Những trái dưa trắng tròn căng được hái lên khỏi chân ruộng, chốc chốc lại có từng tốp xe máy của các thương lái đến mua đem đi tiêu thụ. 

Chị Nguyễn Thị Thạp, vừa hái dưa vừa trò chuyện rôm rả: Vụ dưa năm nay, gia đình chị trồng 2 sào, trừ chi phí lãi khoảng 14 triệu đồng. So với năm ngoái, giá bán năm nay cao hơn khoảng 3 nghìn đồng/kg. "Hàng ngày, thương lái về tận ruộng mua, loại đẹp giá 7-8 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 9-10 nghìn đồng/kg, chúng tôi phấn khởi lắm " - chị Thạp nói. 

Dưa lê siêu ngọt được nông dân huyện Lục Nam trồng cách đây nhiều năm, ưu điểm là vỏ mỏng, cùi giòn, có vị ngọt đậm, thơm. Hiện diện tích trồng dưa lê toàn huyện khoảng 170 ha, tập trung nhiều ở các xã: Chu Điện, Tam Dị, Bảo Đài, Đông Phú, Cương Sơn và thị trấn Đồi Ngô; trung bình, năng suất đạt khoảng 9 tạ/sào. 

{keywords}
Các thương lái về tận ruộng thu mua dưa lê cho bà con nông dân.

Theo tính toán của các hộ dân, với giá bán 6 nghìn đồng/kg, giá trị kinh tế dưa lê cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, thời gian từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 80 ngày nên có thể tăng vụ. Để giúp nông dân thu nhập cao từ trồng dưa lê siêu ngọt, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Lục Nam đã có nhiều biện pháp thiết thực. Ông Tăng Văn Luật, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Lục Nam cho biết: Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng UBND các xã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh cho dưa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất bán. Đồng thời, duy trì tốt việc luân canh với các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. 

Vụ dưa lê năm nay, sản lượng toàn huyện ước đạt khoảng 5 nghìn tấn, giảm khoảng 40% so với năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết khô hạn, ít mưa, tỷ lệ đậu quả kém. Dù sản lượng giảm, song giá bán lại cao nên nông dân vẫn có lãi. 

{keywords}
Dưa lê được đóng túi chuẩn bị mang đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Ảnh chụp tại một điểm thu mua dưa ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam).

Những ngày này, thương lái ở các nơi như: Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng về huyện  thu mua tấp nập. Chị Nguyễn Thị Hà, thương lái ở TP Bắc Ninh tâm sự: "Ngày nào tôi cũng về huyện thu mua với số lượng khoảng 5 tạ, trừ chi phí lãi gần 500 nghìn đồng. Khách mua rất thích dưa lê Lục Nam, giá cả lại phù hợp với túi tiền người tiêu dùng".

Mặc dù mang lại thu nhập cao so với các cây trồng khác song để việc trồng dưa lê có hiệu quả kinh tế bền vững, người dân cũng mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ trồng, nhất là việc dự báo thị trường và khâu tiêu thụ, tránh rơi vào cảnh  "được mùa, rớt giá".

Công Doanh 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...