Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chăn nuôi an toàn sinh học ở Bắc Giang: Giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả

Cập nhật: 07:00 ngày 28/05/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn cùng người dân đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), góp phần hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
{keywords}
Cán bộ Trạm Thú y huyện Yên Thế kiểm tra đàn gà tại hộ anh Lăng Hồng Văn, thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng.

Hiệu quả từ thực tế

Đầu năm ngoái, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai dự án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi gà ATSH” trên địa bàn huyện Yên Thế với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Theo đó, 10 cơ sở chăn nuôi gà bố mẹ quy mô 500 con và 5 hộ chăn nuôi gà thịt với quy mô 1.000 con/lứa được hỗ trợ về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trên đàn gà, hoàn thiện các quy trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. 

{keywords}

Qua đánh giá, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn huyện Yên Thế giúp tỷ lệ sống của đàn gà đạt 97%, tăng 7% so với chăn nuôi thông thường; kiểm soát tốt mầm bệnh, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế".


Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng  Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT)

Là một trong những hộ tham gia dự án, anh Lăng Hồng Văn, trú tại thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng (Yên Thế) cho biết: “Sau lứa đầu, nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ chăn nuôi ATSH nên tôi nhân rộng mô hình với quy mô hơn một vạn con/năm”. Cũng nằm trong dự án, hộ anh Nguyễn Tiến Mạnh ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, xây dựng khu trại nuôi gà bố mẹ riêng biệt, được khử trùng thường xuyên. Cùng đó, gia đình được hướng dẫn tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gà. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở luôn đạt hơn 90%. Khi nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi,  anh còn hướng dẫn những hộ liên kết cùng thực hiện các bước chăn nuôi ATSH.

Tương tự, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp, xóm 3, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) cũng đang nuôi hơn 100 con lợn nái cùng hàng trăm lợn thịt theo hướng ATSH. Để xử lý chất thải, ông chọn phương pháp đệm lót sinh học. Nhờ lớp đệm này, chất thải được xử lý gọn gàng, không còn mùi hôi, vệ sinh khu trại nuôi được bảo đảm, hạn chế bệnh dịch. Ngoài chú trọng xử lý chất thải, mô hình còn quan tâm đến con giống thông qua việc tự sản xuất con giống. Mỗi con lợn từ khi sinh ra đến lúc xuất chuồng được theo dõi quá trình phát triển cũng như tình trạng sức khỏe. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chăn nuôi ATSH, đàn lợn phát triển tốt, ít dịch bệnh.

Hỗ trợ để nhân rộng

Từ hiệu quả tích cực của phương pháp chăn nuôi ATSH, cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng. Tại huyện Yên Thế, địa phương có tổng đàn gia cầm hơn 4,5 triệu con, trong đó khoảng 4 triệu con gà. Bên cạnh phát triển ổn định đàn gà, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là công tác tập huấn chuyển giao quy trình chăn nuôi ATSH, chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP. Mỗi năm, huyện bố trí kinh phí tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, giúp các hộ chăn nuôi nắm vững và thực hiện có hiệu quả. 

{keywords}

Lợn nuôi tại trang trại của ông Nguyễn Văn Nghiệp, xóm 3, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) đều có sổ theo dõi.

Ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nói: “Với mục tiêu đưa Yên Thế thành vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với đàn gà giai đoạn 2016-2020, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, nhân rộng mô hình nuôi gà ATSH theo dự án của tỉnh, trong đó quan tâm tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Với những hộ đăng ký nuôi theo hướng ATSH, huyện hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, con giống, vắc-xin phòng bệnh, hóa chất tiêu độc khử trùng và tìm thị trường tiêu thụ”.

Được biết, để lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, hiện ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh Đề án xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở chăn nuôi gà cùng hàng chục hộ nuôi lợn bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc. 

Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: “Với mong muốn cung ứng ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, chúng tôi đang tập trung phát triển hợp tác xã sản xuất tại huyện Tân Yên, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, lựa chọn các hộ chăn nuôi đủ điều kiện để xây dựng cơ sở chăn nuôi ATSH, truy xuất nguồn gốc. Những hộ đăng ký được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...