Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút 12,13 tỷ USD vốn FDI kể từ đầu năm

Cập nhật: 20:38 ngày 27/05/2017
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm nay với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.
{keywords}

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Mtex - Semicoductor Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Tính đến ngày 20-5-2017, cả nước có 939 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD, bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016. Có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ và 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD, tăng 116,2% so với cùng kỳ. 

Ước tính đến ngày 20-5-2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 5 tháng năm nay, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 57,24 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,19% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 56,15 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ và chiếm 70,82% kim ngạch xuất khẩu. 

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 798 triệu USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Theo đối tác đầu tư, có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,23 tỷ USD, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư. 

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố; trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 1,64 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,39 tỷ USD chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. 

Một số dự án lớn được cấp phép trong 5 tháng đầu năm 2017 là: Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, cấp phép ngày 20-4-2017, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang...

Theo Thúy Hiền/Tin tức


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...