Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý, bảo vệ rừng: Vi phạm nhiều, xử lý ít

Cập nhật: 09:09 ngày 17/07/2017
(BGĐT) - Vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua diễn ra phức tạp. Rừng tại nhiều địa phương bị xâm hại nhưng việc xử lý lại gặp không ít khó khăn.
{keywords}

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam kiểm tra, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng.

Gia tăng vi phạm

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 248 vụ phát, phá rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất trống có cây tái sinh với tổng diện tích hơn 130 ha để trồng rừng kinh tế. Lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 219 vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, số vụ việc bị phát hiện, xử lý chiếm tỷ lệ thấp so với thực tế.

Đáng chú ý, nhiều vụ việc còn liên quan đến cán bộ cơ sở. Điển hình như việc phát, phá hơn 37 ha rừng tự nhiên tại thôn Tảu, xã Long Sơn (Sơn Động). Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Long Sơn đã lập hồ sơ xử lý 51 vụ, phạt hành chính 200 triệu đồng. Trong vụ việc này, nhiều đối tượng vi phạm là cán bộ, đảng viên ở địa phương. Hay như tại xã Đèo Gia (Lục Ngạn), một số cán bộ xã cũng cố tình phát rừng trái phép khiến không ít người dân làm theo.

Bên cạnh đó, tình trạng cháy rừng gia tăng với 23 vụ làm thiệt hại gần 34 ha trong 6 tháng đầu năm nay, thậm chí nhiều vụ có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra các địa phương mới chỉ khởi tố được một vụ án, chưa khởi tố được bị can nào. Ghi nhận tại huyện Yên Dũng cho thấy, trong số 5 vụ cháy rừng xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã có văn bản đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện điều tra, khởi tố 3 vụ. Thế nhưng đến nay, các vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Ông Đồng Xuân Thanh, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: "Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm buổi trưa, tối và ngày nghỉ để phá rừng nên rất khó bắt quả tang. Cùng đó, chúng nắm rõ được quy định của pháp luật nên kiểm soát được hành vi thông qua việc khống chế giới hạn phát, phá rừng”.

"Mạnh tay" để tạo sức răn đe

{keywords}
Hiện việc thực hiện Điều 111, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 (về bắt người phạm tội quả tang) và Điều 21 Pháp Lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (quy định quyền hạn điều tra của kiểm lâm) chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra vì cơ quan kiểm lâm chỉ tham gia thực hiện trình tự, thủ tục ban đầu. Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung theo hướng cơ quan kiểm lâm được tham gia trong quá trình tố tụng, tránh tình trạng nửa vời".

Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn.

Được biết, mặc dù lực lượng kiểm lâm và công an thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức song số trường hợp bị xử lý còn ít. Nguyên nhân là do đối tượng vi phạm thường là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều trường hợp không đủ khả năng nộp phạt. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các cấp, ngành chưa vào cuộc tích cực.

Đơn cử như tình trạng cháy rừng tại Yên Dũng xảy ra trong nhiều năm qua, đại diện Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cũng khẳng định hầu hết các vụ việc đều do người dân cố ý đốt nhưng không bắt được quả tang. Như vậy rõ ràng là vẫn còn tình trạng thiếu sâu sát cơ sở, đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm chưa quyết liệt.

Ông Lã Mạnh Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Dũng nói: “Khắc phục tình trạng này, hiện nay, chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ chủ rừng trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết bảo vệ rừng. Nếu để xảy ra cháy, chủ rừng phải chịu trách nhiệm. Lực lượng công an cần xây dựng chuyên án riêng. Từ đó xây dựng nguồn tin báo trong nhân dân tại các điểm “nóng”, bắt quả tang đối tượng cố ý đốt rừng”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo (Sơn Động) kiến nghị: "Với các vụ việc đủ căn cứ khởi tố hình sự, cơ quan chức năng cần sớm hoàn chỉnh hồ sơ, đưa đối tượng ra xét xử lưu động tại những địa bàn có nhiều vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng để làm công tác tuyên truyền. Trong trường hợp đối tượng phá rừng là cán bộ cơ sở, ngoài xử lý vi phạm hành chính cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng (nếu là đảng viên) và buộc thôi việc đang đảm nhận. Có như vậy mới có tác dụng răn đe". Đi đôi với các biện pháp trên, lực lượng chức năng cần bám sát địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng “nhờn luật” dẫn đến rừng vẫn bị xâm hại.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...