Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổ hợp tác liên kết sản xuất: Giúp nông dân làm giàu

Cập nhật: 08:43 ngày 23/08/2017
(BGĐT) - Việc thành lập các tổ hợp tác (THT), mô hình liên kết sản xuất của các cấp hội nông dân trong tỉnh Bắc Giang bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Qua đây, hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, có điều kiện giúp nhau làm giàu.
{keywords}

Từ khi tham gia THT liên kết sản xuất hương trầm xã Phúc Hòa, gia đình ông Hoàng Văn Phương có điều kiện mở rộng sản xuất.

Hiệu quả bước đầu

Thành lập tháng 2-2017, THT liên kết sản xuất hương trầm, thôn Cả Am, xã Phúc Hòa (Tân Yên) với 10 thành viên có tổng số vốn điều lệ khoảng 150 triệu đồng luôn hoạt động hiệu quả. Ông Hoàng Văn Phương, Tổ trưởng THT chia sẻ: “THT thành lập nhằm tập hợp các gia đình cùng làm nghề để trao đổi, học tập kinh nghiệm; đồng thời góp vốn, liên kết tìm đầu mối tiêu thụ ổn định, mở rộng quy mô sản xuất”. Tại đây các thành viên chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong quá trình làm việc; góp vốn để cùng nhập nguyên vật liệu (mùn cưa, tre, nứa…) tại địa chỉ uy tín, bảo đảm chất lượng, giảm chi phí so với mua lẻ.

Theo anh Nguyễn Đức Lực, thôn Cả Am, xã Phúc Hòa, trước đây do chưa có vốn nhập nguyên liệu nên anh làm hương với quy mô nhỏ. Tham gia vào THT, anh được vay 20 triệu đồng tiền quỹ và nắm bắt kỹ hơn kỹ thuật làm hương, anh đã mở rộng sản xuất. Mỗi ngày, vợ chồng anh làm được khoảng 5 vạn que, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Không chỉ riêng gia đình anh Lực, các thành viên khác trong THT hiện cũng có thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. THT đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với một số cửa hàng kinh doanh lớn tại TP Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên, chuẩn bị các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm. Cùng đó, Sở Công thương đang triển khai hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống làm hương tại Phúc Hòa trong thời gian tới. Được biết, đến nay, các cấp hội nông dân huyện Tân Yên thành lập 20 mô hình, THT, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Cũng nhằm mục đích phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tháng 3-2017, chục hộ dân xã Quang Thịnh (Lạng Giang) thành lập mô hình liên kết trồng cây ăn quả với tổng diện tích hơn 20 ha. Chị Nguyễn Thị Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thịnh cho biết, các hộ tham gia đều trồng cam Vinh, những vụ trước do chưa nắm chắc kỹ thuật sản xuất khiến cây còi cọc, bị bệnh vàng lá. Nhận thấy đây là giống cây chất lượng nếu thâm canh tốt sẽ cho hiệu quả cao, bởi vậy Hội Nông dân xã đã vận động hộ trồng cam thành lập THT. Khi mới tham gia, các hội viên đóng góp tiền để đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất theo hướng an toàn. Nhờ vậy, diện tích cam Vinh của các hộ xanh tốt, hiện cây nào cũng trĩu quả. Dự kiến năm nay năng suất ước đạt 17 tấn/ha, tăng khoảng 1,5-2 tấn/ha so với vụ trước. Để các hộ có vốn phát triển sản xuất, ngoài số tiền đóng góp giúp nhau không lấy lãi, Hội Nông dân huyện vừa cho vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân với mức phí 0,7%/tháng.

Nhân rộng mô hình

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh xây dựng được 11 mô hình, THT liên kết sản xuất, trong đó chủ yếu thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và làng nghề truyền thống. Hội đã phân bổ 500 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên sản xuất.

Với mục tiêu thành lập các mô hình, THT liên kết sản xuất, tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành đề án xây dựng chi hội, tổ nghề nghiệp. Theo đó,  từ đầu năm đến nay, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã thành lập 147 mô hình, THT liên kết sản xuất, điển hình như: Mô hình liên kết nuôi trồng thủy sản xã Đồng Phúc (Yên Dũng), THT liên kết trồng trọt xã Thanh Lâm (Lục Nam); sản xuất giống hoa lay-ơn, thôn Vạn, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa); sản xuất chế biến chè xã Xuân Lương (Yên Thế)...

Một số địa phương tích cực xây dựng mô hình, THT liên kết sản xuất, đơn cử huyện Tân Yên đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho THT liên kết sản xuất hương trầm Phúc Hòa và chăn nuôi lợn, cá xã Lan Giới. Để các THT hoạt động có hiệu quả, khi thành lập, Hội Nông dân huyện lựa chọn các thành viên tự nguyện tham gia, số lượng không quá 30 hộ; sản phẩm sản xuất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hội cử cán bộ chuyên môn phụ trách riêng, mỗi quý có tổng kết, đánh giá cụ thể.

Theo ông Dương Tiến Đang, Trưởng Ban Kinh tế - Xã Hội (Hội Nông dân tỉnh), thời gian tới, Hội sẽ đứng ra kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các THT, mô hình liên kết từ khâu sản xuất, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo các cấp hội nông dân phấn đấu xây dựng mỗi xã một mô hình, THT sản xuất điểm. Việc luân phiên quay vòng nguồn vốn và xây dựng dự án sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân cần ưu tiên phân bổ cho các THT, mô hình liên kết.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...