Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

UBND tỉnh đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất: Khắc phục sai phạm, không để tái diễn

Cập nhật: 17:33 ngày 24/08/2017
(BGĐT) - Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, ngày 24-8, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất (SDĐ) trên địa bàn tỉnh kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực. 

{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, TP và 230 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Nhiều sai phạm, vướng mắc

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Thực hiện Luật, những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý loại tài nguyên này. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều địa phương vẫn để xảy ra vi phạm tràn lan, gây bức xúc dư luận. Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh phát hiện gần 900 trường hợp vi phạm về đất đai với diện tích hơn 4,8 nghìn ha; xử phạt hàng tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Lỗi vi phạm chủ yếu là lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích SDĐ. Tại huyện Lục Nam có hơn 2,4 nghìn trường hợp vi phạm; Tân Yên 263 trường hợp; Việt Yên 194 trường hợp và Hiệp Hòa là 171 trường hợp... Theo khảo sát của phóng viên, một số địa phương đã vào cuộc xử lý song không ít tổ chức, cá nhân vi phạm chậm khắc phục hậu quả, không trả lại hiện trạng đất, nhất là các trường hợp xây dựng công trình trên đất, tập trung nhiều ở huyện Hiệp Hòa, Lục Nam.

Không chỉ vậy, xung quanh công tác quản lý, SDĐ công ích cũng để xảy ra nhiều thiếu sót. Đa số các địa phương không đăng ký hồ sơ địa chính, không mở sổ sách theo dõi dẫn đến không nắm chắc. Nhiều nơi, quỹ đất công ích phân tán, xen kẹp trong khu dân cư. Một số đại biểu nêu, trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tình trạng thôn, bản, tổ dân phố tự ý ký hợp đồng giao thầu, giao khoán đất công ích không đúng thẩm quyền diễn ra khá phổ biến nhưng đến nay nhiều nơi vẫn chưa xử lý dứt điểm. Thậm chí có thôn còn giao thầu với thời gian hơn 30 năm, đã thu tiền và chi xây dựng các công trình phúc lợi nên khó thanh lý, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. 

{keywords}
Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, diện tích được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền SDĐ hay còn gọi là “sổ đỏ” sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) hiện đạt thấp. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, đến nay toàn huyện mới thiết lập xong hơn 5,4 nghìn hồ sơ trong tổng số hơn 8,7 nghìn hồ sơ theo kế hoạch; cấp được hơn 1,3 nghìn GCN cho các hộ gia đình, cá nhân. 

Tương tự đối với đất ở, toàn tỉnh còn hơn 10 nghìn thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp GCN. Trong đó có khoảng 6,5 nghìn thửa đủ điều kiện cấp, số còn lại thuộc trường hợp không phù hợp với quy hoạch, xâm lấn vào hành lang công trình công cộng... Đặc biệt, nhiều hộ không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc thửa đất, thiếu căn cứ để cấp giấy. 

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên, trước hết là do người dân không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, được giao đất một đằng, sử dụng một nẻo. Các cấp chính quyền, nhất là cấp xã chưa làm hết trách nhiệm quản lý đất đai. Chính quyền cấp huyện ở một số nơi chưa có biện pháp “mạnh tay” xử lý dứt điểm, để xảy ra "nhờn” luật, tạo tiền lệ xấu; chưa quan tâm chỉ đạo các xã, thôn rà soát thanh lý hợp đồng giao thầu đất công ích trái thẩm quyền, quá thời gian quy định. 

{keywords}

Lán trại, nhà xưởng xây dựng trên đất lúa tại thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa).

Nguyên nhân cấp GCN sau dồn đổi ruộng đạt thấp là do thời gian qua, một số địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí đo đạc bản đồ để làm căn cứ cấp giấy. Hiện Bắc Giang mới đo đạc bản đồ được 56% diện tích đã DĐĐT. Nhiều huyện tỷ lệ này đạt thấp như: Lục Nam 7,7%, Yên Dũng hơn 47%. 

Để khắc phục hạn chế, bất cập, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh yêu cầu các huyện, TP, các xã, phường, thị trấn phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể, đối với cấp huyện ít nhất mỗi tháng một lần và cấp xã ít nhất mỗi tuần một lần kiểm tra công tác quản lý đất đai, kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm sai phạm. Đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp xã phải tăng cường quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng; chú trọng xác nhận hiện trạng, thời điểm, nguồn gốc SDĐ để xác định điều kiện cấp “sổ đỏ”  hoặc bồi thường, hỗ trợ…bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng trình tự. Chủ tịch UBND các huyện, TP chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu cấp xã và cán bộ địa chính, xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm. 

Các địa phương tuân thủ nghiêm việc giao đất ở thông qua đấu giá cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định; khẩn trương rà soát, yêu cầu các địa phương thanh lý hợp đồng giao thầu đất công ích sai quy định và kiểm kê quỹ đất này để quản lý. Về những vướng mắc trong cấp GCN, đồng chí lưu ý, các huyện cần bố trí ngân sách đo đạc bản đồ địa chính gắn với thiết lập hồ sơ cấp giấy sau dồn đổi ruộng; tiếp tục rà soát cấp giấy cho các trường hợp còn tồn đọng theo đúng quy định.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nhấn mạnh: Đất đai là tài nguyên quan trọng của quốc gia đã được luật hóa trong Luật Đất đai năm 2013. Do đó các cấp, ngành cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng số lần, số đợt kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, trọng tâm là kiểm tra về chấp hành quy hoạch sử dụng đất, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm; tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm. Nơi nào để xảy ra vi phạm, không xử lý dứt điểm, Tỉnh ủy sẽ xem xét trách nhiệm của đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND địa phương đó.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...