Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngăn chặn xâm hại rừng

Cập nhật: 09:34 ngày 18/09/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tập trung cao cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, các vụ việc vi phạm giảm đáng kể, diện tích rừng tự nhiên được giữ vững.
{keywords}

Gỗ dẻ vừa bị Tổ cơ động bảo vệ rừng xã Lục Sơn (Lục Nam) thu giữ.

Quyết tâm giữ rừng

Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp, tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và một số địa phương tổ chức ngày 6-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kịp thời ngăn chặn. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Sơn Động đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp bảo vệ rừng (BVR), yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, phá rừng. Đến nay, 100% xã, thị trấn tổ chức đánh giá công tác quản lý, BVR tại hội nghị thường kỳ hằng tháng; hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền. Từ tháng 6 đến nay, toàn huyện xảy ra hai vụ phát đất trống có cây gỗ tái sinh, giảm 25 vụ/tháng so với trước.

Tại huyện Lục Ngạn, các xã tổ chức cho người dân ký cam kết BVR. Ở những xã có nhiều rừng tự nhiên như: Phong Minh, Sa Lý, Phong Vân, Đèo Gia, chính quyền địa phương thành lập các tổ tuần tra BVR. Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Ngạn nói: “Khi nhận được thông tin có đối tượng chuẩn bị thực hiện hành vi phá rừng, chúng tôi yêu cầu kiểm lâm địa bàn xác minh thông tin, nhanh chóng xử lý. Từ đó, nhiều trường hợp đã từ bỏ ý định và ký cam kết không xâm hại rừng”. Tính đến hết tháng 8, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức ký cam kết đối với một nghìn hộ dân có rừng (đạt hơn 90%); kịp thời ngăn chặn 4 vụ việc. Điển hình, cuối tháng 7, nhận được tin báo có một đối tượng ở xã Phong Minh chuẩn bị phá rừng tự nhiên, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, BVR.

Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, xã Lục Sơn luôn được coi là điểm “nóng” của huyện Lục Nam về tình trạng phát, phá rừng tự nhiên nghèo kiệt chuyển đổi sang rừng trồng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm, toàn xã xảy ra hơn 10 vụ, làm thiệt hại hơn 60 ha rừng. Trước thực trạng đó, từ giữa tháng 6, UBND xã thành lập Tổ cơ động BVR gồm 30 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, duy trì các ca trực khép kín, bảo đảm 24/24 giờ. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, BVR, 100% thành viên được huy động, phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn và cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Trường Sơn mật phục, bắt giữ. Từ khi thành lập đến nay, Tổ phát hiện, bắt giữ ba vụ vi phạm. Nổi bật như ngày 20-8, nhận được tin báo của nhân dân về việc tại cánh rừng thuộc thôn Khai Quang có khoảng 3 m3 gỗ dẻ đã được tập kết từ tối hôm trước, Tổ cơ động lập tức có mặt lập biên bản. Do không có người nhận, số gỗ trên được đưa về UBND xã. Cách đây hơn một tháng, Tổ cơ động bắt quả tang Hoàng Xuân Báng, thôn Rừng Long (cùng xã) đang vận chuyển 1.500 cây tre khai thác trái phép từ rừng thuộc địa bàn.

Không chủ quan, mất cảnh giác

{keywords}

Tới đây, chúng tôi tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quản lý, BVR theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hiệu quả, đồng thời phê bình các địa phương chưa thực sự quyết liệt".


Ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), nếu 5 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh xảy ra 50-60 vụ chặt phá rừng tự nhiên nghèo kiệt chuyển sang trồng rừng kinh tế thì trong tháng 6 chỉ xảy ra 18 vụ. Đặc biệt, hai tháng trở lại đây không xảy ra vụ việc nào. Ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng nói: “Trước đây, các vi phạm pháp luật về quản lý, BVR diễn ra nhiều. Ngoài lợi ích từ trồng rừng kinh tế mang lại thì việc buông lỏng quản lý ở một số địa phương cũng là một nguyên nhân. Đáng chú ý, có những vụ liên quan đến cán bộ cơ sở. Vì thế, khi quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra phá rừng, cháy rừng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR”. Cũng theo ông Quý, nguy cơ phá rừng vẫn luôn hiện hữu. Phần vì đời sống người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, phần vì lực lượng kiểm lâm mỏng, cùng lúc không thể “phủ sóng” đến tất cả các khu vực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về BVR chưa hiệu quả; việc kiểm tra ở các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại còn hạn chế...

Để bảo vệ “lá phổi xanh”, thời điểm này, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đang tập trung hướng mạnh về cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình. Tại Lục Nam, Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu cán bộ kiểm lâm địa bàn phải tham gia họp với UBND các xã ít nhất một lần/tháng; mỗi khi nhận được thông tin của cơ sở phải nhanh chóng có mặt giải quyết vụ việc. Cùng đó, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể cơ sở vận động người dân tại các địa phương tham gia BVR, không tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động nói: “Chúng tôi đưa lực lượng đến đóng chốt ngay tại những điểm “nóng”, có nguy cơ xảy ra phá rừng cao, phối hợp cùng địa phương duy trì, củng cố các chốt bảo vệ ngay trong rừng để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi xâm hại rừng. Bên cạnh đó, Hạt cũng kiểm tra hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản của các cơ sở trên địa bàn nhằm ngăn chặn đối tượng buôn bán, tiêu thụ lâm sản trái phép”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...