Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Những nông dân xuất sắc

Cập nhật: 10:32 ngày 20/09/2017
(BGĐT) - Trong hai ngày 18 và 19-9, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) toàn quốc lần thứ V và điển hình khởi nghiệp năm 2017. Nhân dịp này, Báo Bắc Giang giới thiệu một số điển hình của Bắc Giang tham dự hội nghị.
{keywords}

Bà Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tặng hoa chúc mừng những nông dân được tuyên dương tại hội nghị.

Cơ hội học kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

{keywords}

Có thu nhập bình quân 3 tỷ đồng/năm, chủ hộ  SXKDG Nguyễn Văn Nam (SN 1968) xã Nam Dương (Lục Ngạn) vinh dự được tuyên dương SXKDG toàn quốc.

Xuất phát từ nghề làm mỳ gạo truyền thống của địa phương, ông Nam đã thành công trong xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh sản phẩm mỳ Chũ. Từ năm 2007, ông cùng một số hộ liên kết thành lập HTX để sản xuất, xây dựng thương hiệu mỳ Chũ và từng bước đưa sản phẩm này vào thị trường. HTX đã huy động vốn, cải tiến và thay thế dần công cụ sản xuất thủ công bằng dây chuyền hiện đại nhằm nâng năng suất, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Với sự hỗ trợ từ chính quyền, sản phẩm mỳ Chũ được bảo hộ nhãn hiệu, có bao gói, dễ dàng được các siêu thị, đại lý cung ứng sản phẩm. Mô hình này tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù mỳ Chũ ngày càng được khách hàng ưa dùng nhưng ông Nam tâm niệm phải luôn giữ chất lượng, thương hiệu sản phẩm mới phát huy được nghề truyền thống. “Dự hội nghị điển hình SXKDG toàn quốc, tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm làm giàu từ các trang trại, HTX ở miền Nam, ký một số hợp đồng bán sản phẩm và sẽ tiếp tục cải tiến phương thức sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ”, ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Giúp nhiều người cùng làm giàu

{keywords}

Không chỉ làm giàu cho mình, điển hình SXKDG Nguyễn Ngọc Dung (SN 1958), xã Đông Sơn (Yên Thế) còn giúp đỡ nhiều hội viên nông dân thoát nghèo. Ông vinh dự được tuyên dương nông dân SXKDG toàn quốc.

Từ năm 2010, thấy ở Hưng Yên trồng cam hiệu quả, ông Dung đã cải tạo 1 ha vườn đồi đưa cam Canh, cam Vinh vào sản xuất. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, sau ba năm, vườn cam cho thu hoạch, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng. Từ đó gia đình có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, từng bước cho thu nhập cao. Đến nay, ông tạo việc làm thường xuyên cho 25-30 lao động, mang lại thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Đáng trân trọng là hưởng ứng phong trào nông dân thi đua SXKDG do Hội Nông dân khởi xướng, ông Dung đã hỗ trợ giống cam, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nhiều người khó khăn trong vùng, nhờ đó đã có 5 gia đình thoát nghèo. “Nếu có nhiều người cùng trồng cam sẽ dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm chăm bón. Cây cho trái nhiều tạo vùng chuyên canh được thương nhân đến thu mua sản phẩm giá sẽ cao, tiêu thụ thuận lợi. Qua hội nghị này, tôi thấy có nhiều cách liên kết làm ăn hay sẽ áp dụng vào mô hình của gia đình, hỗ trợ nhiều người cùng làm giàu”, ông Nguyễn Ngọc Dung cho biết.

Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc

{keywords}

Anh Trương Đình Tùng (SN 1992), thôn Quan 1, xã Đông Hưng (Lục Nam) là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh nuôi trai trong môi trường nước ngọt thành công. Với nỗ lực ấy, anh là một trong 20 nông dân trong cả nước được tuyên dương điển hình khởi nghiệp toàn quốc năm 2017.

Anh Tùng nói: “Tôi chỉ nghe nói nuôi trai nước mặn lấy ngọc nên khi biết có thể nuôi trai trong môi trường nước ngọt thì rất tò mò”. Vậy là năm 2015, Tùng khăn gói đi học hỏi mô hình cấy ghép trai lấy ngọc ở tỉnh Ninh Bình. Tìm hiểu về nghề, chàng thanh niên trẻ đã “kết” ngay và quyết tâm lập nghiệp từ nghề này. Khoảng giữa năm 2016, Tùng nuôi 10 nghìn con trong ao rộng 5 sào ở thôn Dạo Lưới, giáp hồ Suối Nứa.

Kỹ thuật cấy trai đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác. Theo đó, anh nhập hạt ngọc được làm bằng vỏ trai từ nước ngoài về. Sau đó cấy vào túi tinh tùy theo kích cỡ của trai cộng với cấy ghép mô tế bào. Cấy ghép xong, trai được thả vào trong bể chứa và theo dõi chừng hai ngày. Sau đó cố định trong túi lưới và treo dưới ao. Với cách làm này trai không bị lệch, hạt ngọc tròn, đồng thời rêu và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng. Sau hai năm, trai sẽ phủ lên hạt ngọc đã cấy những lớp ngọc mới và tăng dần kích thước.

Trương Đình Tùng ước tính, với khoảng một vạn con trai, đến cuối năm sau thu được chừng hai vạn hạt ngọc giá bán bình quân 200-500 nghìn đồng/viên thì lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, ông chủ trẻ đang lai tạo để có sản phẩm màu đen- ngọc được tiêu thụ với giá bán cao trên thị trường hiện nay. Cũng vì thế, sau buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm vừa qua, nhiều người liên hệ đến tham quan, đề xuất được Tùng chuyển giao kỹ thuật nuôi trai nước ngọt, lấy ngọc.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...