Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải chỉ đạo: Quy hoạch lại đất rừng để phát triển bền vững

Cập nhật: 16:44 ngày 25/09/2017
(BGĐT) - Ngày 25-9, đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT về chủ trương lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái và lãnh đạo một số sở, ngành. 

{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải kết luận buổi làm việc.

Còn nhiều hạn chế 

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, công tác QLBVPTR có nhiều chuyển biến tích cực: Toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt các quy hoạch lâm nghiệp, xác định cụ thể phạm vi, diện tích từng loại rừng. Hoàn thành giao đất, giao rừng, cho thuê tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ dân yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Số vụ, diện tích bị chặt phá, cháy rừng giảm. 

Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng vi phạm lâm luật, cháy rừng diễn biến phức tạp. Việc tranh chấp đất rừng giữa hộ dân với các công ty lâm nghiệp khá phổ biến. Nguyên nhân là do chưa cắm mốc thực địa, xác định ranh giới các loại rừng. Nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt có trữ lượng thấp, các hộ không quan tâm đầu tư, bảo vệ. Thậm chí, nhiều người còn tự ý chặt phá diện tích được giao để trồng rừng kinh tế. Ông Đỗ Viết Quyền, Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử cho biết, hiện có 6 đơn vị gồm: Công ty TNHH một thành viên 45, Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, Công ty cổ phần Khoa học mỏ Bắc Giang, Công ty cổ phần Hợp Nhất, Công ty Du lịch Đường Việt, Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử đang khai thác khoáng sản, dịch vụ có tác động lớn đến rừng đặc dụng. Ngoài ra còn 16 thôn, bản xen cư, mỗi năm các hộ đều xâm lấn một vài mét nên khó phát hiện, xử lý dứt điểm.

Bắc Giang có gần 154 nghìn ha đất rừng, trong đó hơn 53,4 nghìn ha rừng tự nhiên, gần 86 nghìn ha rừng trồng và hơn 14,5 ha đất chưa có rừng. Rừng hiện đã được giao cho các ban quản lý, doanh nghiệp (DN) lâm nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thuê, quản lý, sử dụng.

Sức ép lớn từ rừng kinh tế và cây ăn quả khiến nhiều hộ tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tại dãy núi Nham Biền (Yên Dũng), do mới chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, nhiều diện tích đã bị các hộ mua bán, chuyển nhượng cho người ngoài địa phương. Vì thế chủ rừng không thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, không nhận hỗ trợ trồng lại rừng.  

Ngoài những nguyên nhân trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho rằng, các vụ vi phạm lớn chủ yếu do người nơi khác đến mua rồi thuê người chặt, phá. Tuy vậy việc xử lý chưa đủ sức răn đe khi mức phạt còn thấp, giá trị rừng trồng cao. Công tác phối hợp điều tra, khởi tố, xử lý hình sự bị can phá rừng chưa nhiều. Có mâu thuẫn về trách nhiệm, quyền lợi giữa người giữ rừng và cộng đồng; ngân sách hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên thấp, chưa kịp thời, trách nhiệm của các hộ dân, chính quyền trong QLBVPTR chưa được quy định rõ, thực hiện thiếu đầy đủ. 

Nâng chất lượng các loại rừng

Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu giữ vững diện tích rừng hiện có bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định QLBVPTR. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm và các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đề nghị bổ sung 33 biên chế còn thiếu theo quy định; cấp kinh phí hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động tại các đơn vị. Triển khai các dự án làm giàu rừng bằng các loại cây bản địa, cây thuốc nam, lâm sản phụ giúp người dân ổn định đời sống. Đồng thời, rà soát, cho phép hộ dân ở các thôn, xã miền núi, địa bàn khó khăn cải tạo diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt. Tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất, rừng trái phép… Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị BTV Tỉnh ủy ban hành kết luận chỉ đạo toàn diện công tác QLBVPTR trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh phục vụ khoán bảo vệ, làm giàu rừng tự nhiên. Thành lập đội ngũ cán bộ lâm nghiệp tại 73 xã, thị trấn trọng điểm về cháy rừng. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh bố trí nguồn vốn ưu đãi cho các hộ vay trồng rừng gỗ lớn, hiệu quả cao hơn.    

{keywords}

Cán bộ kiểm lâm Sơn Động cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng tại xã Yên Định.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nhấn mạnh, QLBVPTR có vai trò quan trọng, bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, nguồn nước trên địa bàn. Đồng chí yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại quy hoạch phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghiên cứu chuyển đổi một phần rừng phòng hộ tại hồ Cấm Sơn thành rừng đặc dụng. Chuyển rừng sản xuất tại khu vực hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi (Lục Ngạn), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Khu du lịch sinh thái Thác Ngà (Yên Thế) thành rừng phòng hộ, đặc dụng. Nhất trí chủ trương cải tạo một phần diện tích rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, sản xuất nghèo kiệt ở các vùng thấp, nằm sát khu dân cư để trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy định hướng dẫn với các tiêu chí đánh giá cụ thể, được giám sát, thực hiện chặt chẽ. Quy định cần phù hợp với từng địa phương, bảo đảm công bằng giữa các hộ. Riêng các khu vực rừng đầu nguồn, có giá trị bảo vệ nguồn nước, môi trường thì kiên quyết giữ vững. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, các đơn vị, ngành chức năng tăng cường giải pháp bảo vệ rừng. Trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định ranh giới giữa các đơn vị và người dân để hạn chế tranh chấp. Đề cao trách nhiệm của đơn vị chuyên trách, chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác này. Giao rõ nhiệm vụ, trách nhiệm liên quan của các cấp, ngành, cá nhân khi xảy ra chặt phá, cháy rừng. Hằng năm, ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí cho QLBVPTR ngay từ đầu năm. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở chế biến, vận chuyển gỗ; các tổ chức khai thác khoáng sản, không để tác động tiêu cực đến rừng. Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý rừng ở các cấp; kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng trên toàn tỉnh để nhắc nhở, xử lý, thu hồi diện tích các hộ không trồng hoặc để rừng chất lượng kém.

Nêu quan điểm về tổ chức bộ máy kiểm lâm và các ban quản lý rừng hiện nay, đồng chí Bùi Văn Hải cho rằng, giảm biên chế là quy định chung, không loại trừ cơ quan, lực lượng nào. Tuy nhiên, các đơn vị nghiên cứu quy định hiện hành để tuyển thêm biên chế. Trường hợp không được tuyển thì cho phép ký hợp đồng lao động, trả lương bằng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn trồng rừng bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội; các chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới… giúp các hộ phát triển kinh tế rừng. 

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...