Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ II: Cho quả ngọt vươn xa

Cập nhật: 15:08 ngày 13/10/2017
(BGĐT) - Từ lợi ích, ý nghĩa của Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ I mang lại, tháng 11 năm nay, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tiếp tục tổ chức Ngày hội lần thứ II với quy mô, cách thức tổ chức có nhiều điểm mới. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang. 

{keywords}

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Bình.

Xin ông cho biết khái quát kết quả, ý nghĩa, dư âm của Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ I?

Nhằm tôn vinh thành quả lao động của nông dân, xúc tiến tiêu thụ trái cây trên địa bàn, năm 2016, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn tổ chức Ngày hội Trái cây lần thứ I. Ngày hội có 68 gian hàng trưng bày các sản phẩm chủ lực của tỉnh nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng, đồng thời diễn ra hội thảo phát triển vùng cây ăn quả, thi trưng bày sản phẩm, chất lượng trái cây, tôn vinh nông dân sản xuất giỏi. Chỉ trong ba ngày hội, toàn huyện đã tiêu thụ hơn 1.500 tấn quả có múi.

Lần đầu tổ chức Ngày hội Trái cây tuy quy mô còn khiêm tốn song đã tạo tiếng vang lớn, trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin về sản xuất, tiêu thụ trái cây của “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà tiêu thụ). Ngày hội đã có sự lan toả khắp các vùng trong cả nước. Ngay sau Ngày hội, giá trái cây có múi nói riêng, các loại quả khác thuận lợi trong tiêu thụ. Ví như giá cam đường Canh (cam ngọt Lục Ngạn) tăng khoảng 20 nghìn đồng, đạt 40 - 45 nghìn đồng/kg. Thương nhân về tận các thôn, xã đặt hàng, thu mua vận chuyển khắp nơi tiêu thụ. Đây là vụ đầu tiên trái cây có múi của Lục Ngạn được bao gói, vận chuyển bằng xe conteiner vào các tỉnh, thành phố phía Nam tiêu thụ. Người dân Lục Ngạn phấn khởi, đánh giá cao về lợi ích, ý nghĩa Ngày hội mang lại, đồng thời mong muốn có Ngày hội Trái cây lần thứ II.

Dự kiến Ngày hội năm nay diễn ra vào cuối tháng 11. Quy mô, hình thức tổ chức lần này có những điểm nào mới thưa ông?

Lục Ngạn hiện có khoảng 5,2 nghìn ha cây ăn quả có múi. Năm nay, dự kiến sản lượng đạt 35 nghìn tấn, cao hơn năm trước. Diện tích trồng các loại cam lòng vàng, cam ngọt, quýt… sản xuất theo quy trình an toàn tiếp tục được mở rộng.

Mục tiêu của Ngày hội vẫn là tôn vinh thành quả lao động của bà con, giới thiệu các loại trái cây đặc sản và sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng. Qua đó nhằm giữ gìn và nâng cao chất lượng thương hiệu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vào các tỉnh, thành phố phía Nam. 

Ngày hội lần này có quy mô về không gian tổ chức sự kiện rộng hơn, số lượng gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm lớn hơn. Dự kiến các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tăng lên 100 gian. Công tác xã hội hóa được tăng cường, sẽ tổ chức bán hàng trực tiếp tại nơi trưng bày sản phẩm. Đặc biệt, tại Ngày hội năm nay, trái cây trưng bày đều được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ban tổ chức Ngày hội sẽ tổ chức họp báo, công bố sự kiện này tại TP Hồ Chí Minh; dự kiến lễ khai mạc sẽ được một kênh của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tiếp sóng trực tiếp. 

Để Ngày hội năm nay tiếp tục thành công, công tác chuẩn bị được chỉ đạo thực hiện như thế nào?

Rút kinh nghiệm từ Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ I, UBND huyện đã sớm có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh về tổ chức Ngày hội lần này. Sau khi có văn bản chấp thuận của tỉnh, huyện đã thành lập Ban Tổ chức Ngày hội, trong đó mời lãnh đạo một số ngành có liên quan của tỉnh tham gia. Ban Tổ chức xác định rõ những nội dung chính, qua đó thành lập các tiểu ban (Nội dung, Hậu cần và an ninh, Tổ chức các cuộc thi) để chỉ đạo và vận hành các hoạt động diễn ra trước, trong và sau Ngày hội. Năm nay, Ban Tổ chức thành lập Ban Vận động tài trợ để huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho Ngày hội. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho 4 đơn vị tham mưu nội dung, hình thức chương trình để lựa chọn lấy một, bảo đảm sự kiện diễn ra chu đáo, hấp dẫn…

{keywords}

Trưng bày trái cây tại Ngày hội Trái cây huyện Lục Ngạn lần thứ Nhất.

Có ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, việc tổ chức các ngày hội quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại một số địa phương diễn ra phổ biến, dễ nhàm chán, tốn kém. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không hoàn toàn phủ nhận ý kiến nêu trên, song phải khẳng định rằng công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản là việc không thể không đầu tư trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ở Lục Ngạn, thực tế việc tổ chức Ngày hội Trái cây lần thứ Nhất là minh chứng hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức các hội nghị xúc tiến, quảng bá tiêu thụ nông sản cần luôn có sự đổi mới, tránh trùng lặp, nhàm chán, có sự khác biệt về cách tổ chức cũng như nội dung chương trình.

Thành công của Ngày hội Trái cây Lục Ngạn luôn có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, chung tay của nhiều ngành, huyện, TP trong tỉnh. Nhân đây, ông có đề xuất điều gì?

Chúng tôi mong muốn được UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn tổ chức, thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp hàng hóa có cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Khánh (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...