Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở rộng thị trường cho gà đồi Yên Thế

Cập nhật: 09:35 ngày 18/10/2017
(BGĐT) - Ngày 21-10, UBND tỉnh lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị.
{keywords}

Chăn nuôi gà đồi tại xã Tam Hiệp (Yên Thế). Ảnh: Văn Thư.

Xin ông cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế những năm gần đây?

Những năm qua, nhờ lợi thế vườn đồi, huyện Yên Thế trở thành vùng chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn. Tổng đàn gà thương phẩm của huyện đạt hơn 14 triệu con, sản lượng từ 24 đến 28 nghìn tấn, giá trị hơn 1,2 nghìn tỷ đồng/năm. Các hộ nuôi gà đã thành lập nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất và tiêu thụ. Toàn bộ quy trình chăm sóc được ghi chép, theo dõi chặt chẽ, giám sát lẫn nhau để có sản phẩm chất lượng.

Thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế không ngừng được mở rộng. Trong đó, Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh... có thị phần lớn hơn cả. Gà lông của Yên Thế thường xuyên có mặt tại các chợ đầu mối lớn, sản phẩm gà đồi qua chế biến được đưa vào chuỗi các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại, được đón nhận, tiêu thụ mạnh trong sự kiện xúc tiến thương mại trên cả nước.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, giá gà ổn định trong khi nhiều loại vật nuôi khác bấp bênh.

Đâu là những vướng mắc, bất cập trong tiêu thụ gà đồi Yên Thế, thưa ông?

{keywords}

Ông Trần Quang Tấn.

Tuy đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu song tiêu thụ gà đồi Yên Thế vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Mô hình HTX sản xuất tập trung ít; tính liên kết giữa người chăn nuôi với HTX, doanh nghiệp (DN) chưa chặt chẽ, dẫn đến bị động về giá, thị trường tiêu thụ chưa bền vững.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ gà đồi Yên Thế cơ bản là nội địa. Trên địa bàn tỉnh thiếu các DN có tiềm lực, khả năng xuất khẩu; sự kết nối của các hiệp hội, DN trong tiêu thụ gà đồi chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Việc nhận diện gà đồi Yên Thế trên thị trường còn khó khăn. Công tác kiểm soát gà nhập lậu, nhất là gà thải loại từ Trung Quốc chưa triệt để, ảnh hưởng đến chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cao, chất lượng không ổn định làm giảm khả năng cạnh tranh của gà đồi Yên Thế.

Xin ông cho biết, những vấn đề gì sẽ được tập trung bàn thảo tại hội nghị này?

Đây là lần đầu tiên hoạt động xúc tiến quy mô lớn đối với gà đồi Yên Thế được tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của một số bộ, ngành T.Ư cùng nhiều tỉnh, TP lớn và các tỉnh lân cận; các cơ quan truyền thông, DN, HTX, thương nhân kinh doanh gà trong và ngoài tỉnh.

Ban tổ chức đặt ra mục tiêu hội nghị xúc tiến lần này phải bảo đảm tính chuyên nghiệp; tìm giải pháp khắc phục bất cập trong sản xuất, tiêu thụ gà đồi Yên Thế hiện nay, chủ động kết nối cung - cầu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Khẳng định chủ trương của UBND tỉnh là đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ gà đồi, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ.

Đặc biệt, buổi xúc tiến sẽ diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Sở Công thương Bắc Giang với các tỉnh, TP; giữa UBND huyện Yên Thế với các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối; ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa các DN, HTX, các tổ chức kinh doanh trên toàn quốc với Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi của Yên Thế.

{keywords}

Gà đồi Yên Thế được tiêu thụ trong siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Trịnh Lan.

Nhân đây, ông có kiến nghị, đề xuất và khuyến cáo gì đối với các cấp, ngành liên quan, người sản xuất để gà đồi Yên Thế phát triển bền vững?

Năm 2013, tại Singapore, gà đồi Yên Thế được trao cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á” - ASEAN BEST FOOD, mở hướng xuất khẩu các sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Vấn đề quan trọng nhất là làm tốt công tác dự báo thị trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện sản phẩm đang tiêu thụ ở 11 tỉnh, TP, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Khảo sát cho thấy nhu cầu tiêu thụ gia cầm năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội khoảng 62,4 nghìn tấn, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển. Cùng đó, tiếp tục cung cấp cho thị trường các TP lớn như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, chúng ta còn hướng đến xuất khẩu vào các nước ASEAN và Trung Quốc vì các thị trường này có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, ẩm thực, thuận lợi khi vận chuyển hàng hóa.

Về lâu dài sẽ tiếp tục cơ cấu lại, bảo đảm chất lượng từ giống, thức ăn; gà được chăn thả ở vườn đồi sinh thái, bảo đảm các tiêu chuẩn để hướng tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.

Để đạt được các mục tiêu trên cần thực hiện một số nhiệm vụ như: Sản phẩm gà đồi phải đạt các tiêu chuẩn, quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ từ vùng chăn nuôi đến các cơ sở giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát dịch bệnh và vùng chăn nuôi. Đáp ứng các rào cản kỹ thuật, hành lang pháp lý; khẳng định chữ “tâm” trong sản xuất, sản phẩm đưa ra thị trường phải sạch, mang tính vượt trội về chất lượng. Đồng thời, khẳng định chữ “tín”, tạo ra sự ổn định về chất lượng, giá cả theo hợp đồng ký kết.

Do vậy, từ bây giờ, các cấp, ngành, người chăn nuôi ở huyện Yên Thế cần tập trung hình thành các HTX, DN làm đầu mối, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Cùng đó, xây dựng và bảo hộ thương hiệu ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Xin cảm ơn ông!

Văn Thương (Thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...