Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đảng viên nông thôn làm kinh tế: Kỳ 2 - Dân giàu, chi bộ mạnh

Cập nhật: 09:03 ngày 20/10/2017
(BGĐT) - Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của mỗi đảng viên và người dân trong phát triển kinh tế thì nơi đó cuộc sống ấm no, làng quê giàu đẹp, tổ chức cơ sở đảng vững mạnh.
{keywords}
   Đảng viên nông thôn làm kinh tế: Kỳ I - Gương mẫu đi đầu, làm giàu chính đáng

{keywords}

Phát huy vai trò của đảng viên trong phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn huyện Lục Ngạn có nhiều khởi sắc. Ảnh: Việt Hưng.

Nêu gương sáng, sức lan tỏa rộng

Nhiều năm làm Bí thư Chi bộ thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên), điều mà đồng chí Nguyễn Hồng Việt (SN 1961) luôn trăn trở là làm thế nào để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân ngay tại quê hương. Bởi kinh tế có phát triển, đời sống người dân cải thiện thì các phong trào trong thôn mới đi lên, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Đặc biệt, vai trò cán bộ, đảng viên rất quan trọng, là tấm gương để bà con nhìn vào việc làm, hành động theo. Vì thế không chỉ mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia đình mang lại thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng/năm, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn 3 hộ khác cùng sản xuất cho thu nhập cao. Khi xã có chủ trương dồn đổi ruộng xây dựng cánh đồng mẫu, Bí thư cùng Chi ủy tới từng hộ vận động, bản thân tự nguyện nhận phần đất xấu, xa đường giao thông và nguồn nước để làm gương. Nhờ đó, cánh đồng mẫu hơn 2 ha của thôn hình thành nhờ đồng thuận cao của mọi người. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, với những thành tích đạt được trong lãnh đạo phát triển KT - XH và xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều năm liền, Chi bộ thôn Bài Giữa giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh (TSVM), thực sự là “cầu nối” giữa Đảng với dân, đoàn kết nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, quê hương đẹp giàu. “Hiện trong thôn không còn gia đình đảng viên nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,4%. Để giúp đỡ các hộ thoát nghèo, Chi bộ thôn có Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ ngày công giúp cải thiện nhà ở, phấn đấu hết năm 2018, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Hồng Việt chia sẻ.

Về xã Hồng Giang (Lục Ngạn) hôm nay, ấn tượng đầu tiên với du khách là giữa màu xanh bạt ngàn của cây trái là những ngôi nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi, đường làng bê tông sạch đẹp. Để có diện mạo ấy, theo Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Tứ có vai trò đầu tàu của những đảng viên. Ngay sau khi được chỉ đạo xây dựng NTM mang đặc thù vùng cây ăn quả, Đảng bộ xã có Nghị quyết chuyên đề chuyển những chân ruộng cao cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây ăn quả, trong đó yêu cầu từng chi bộ, đảng viên tiên phong tuyên truyền, nêu gương và vận động các hộ dân làm theo. Tại thôn Chính, 23 gia đình đảng viên thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang cây có múi, vận động các hộ còn lại làm theo. Bí thư Chi bộ Trương Văn Bẩy cho biết: “Sau khi được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ, với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi xác định, trước tiên phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và nhân dân, giúp mỗi người nắm bắt đúng chủ trương, chính sách pháp luật và những quy định xây dựng NTM. Cùng đó, bản thân phải gương mẫu thực hiện”. Anh Bẩy cùng Ban Chi ủy luôn gần gũi, sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để xây dựng nghị quyết lãnh đạo sao cho phù hợp. Ý Đảng thuận lòng dân, bà con tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn bộ đất lúa của thôn được chuyển đổi, trong đó 70% trồng vải thiều, còn lại là cây có múi. Hồng Giang trở thành xã NTM đặc trưng vùng vải thiều Lục Ngạn, đón đầu cho phát triển du lịch - dịch vụ. Giá trị thu nhập bình quân từ cây ăn quả đạt hơn 285 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gần 6 lần so với cấy lúa. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,78%. Xã có 668 nhà vườn hiện đại, đủ tiêu chuẩn làm du lịch. Chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng được nâng cao. Đảng bộ có 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

{keywords}

Mô hình chăn nuôi gà của gia đình đảng viên Nguyễn Hồng Việt, Bí thư Chi bộ thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên). Ảnh: Sỹ Quyết.

Cùng đồng hành, tạo động lực

Trong cuộc sống mới hôm nay, tuy mỗi người có hoàn cảnh riêng và điểm xuất phát khác nhau nhưng đa số đảng viên ở khắp các địa phương trong tỉnh có chung sự cần cù, chịu khó, nhạy bén với thương trường, ý chí tự lực khắc phục khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cùng bà con làm giàu cho xã hội. Thực tế công tác Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế ở xã Tân Quang (Lục Ngạn) cho thấy, để có cuộc sống ấm no là nhờ sức mạnh từ các chi bộ mà hạt nhân là đảng viên luôn tiên phong. Trước mỗi chủ trương, mỗi phần việc, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều đưa ra lấy ý kiến nhân dân; việc thống nhất và ra nghị quyết bảo đảm đúng trình tự, quy định, sát thực tế, hợp lòng dân, gắn trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện. Cũng bởi Đảng gần dân, bà con tin tưởng thực hiện đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nơi đây... Hay như tại xã Phúc Sơn (Tân Yên), để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa. Theo đó, mỗi tổ đảng được giao phụ trách nhóm hộ, hằng tuần báo cáo kết quả thực hiện; từng đảng viên nêu gương vận động gia đình, người thân ủng hộ chủ trương của xã, thôn. Nhờ đồng thuận cao, từ chỗ mỗi năm chỉ canh tác hai vụ lúa bằng giống cũ, nhiều hộ đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, sản xuất cây  vụ đông cho thu nhập cao. Các giống lúa mới năng suất, chất lượng tốt như: TBR225, Hương Thơm số 1... thay thế giống cũ. Giá trị thu nhập trên đất nông nghiệp đạt 170-200 triệu đồng/ha/năm. Năm 2016, bình quân mỗi người trong xã có thu nhập 39 triệu đồng/năm, dự kiến năm nay tăng lên 43 triệu đồng.

Trao đổi về những kinh nghiệm ở những chi bộ, đảng bộ nông thôn lãnh đạo phát triển kinh tế điển hình, đồng chí Phạm Việt Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết: “Để hình thành nhiều mô hình mới, Huyện ủy có công văn yêu cầu Đảng ủy các xã, thị trấn phát động phong trào thi đua nêu gương đảng viên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tập trung vào sự gương mẫu, đi đầu của đảng viên đang sinh sống tại các khu dân cư trong xây dựng các mô hình kinh tế gia đình. Trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao kết hợp đổi mới mô hình tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn; hình thành, thu hút nhiều hộ dân tham gia chuỗi liên kết”. Còn tại huyện Yên Thế, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các chi, đảng bộ đẩy mạnh tuyên truyền, nêu gương tập thể, cá nhân tiêu biểu tại địa phương, đơn vị. Định kỳ ngày 5 hằng tháng gửi báo cáo, bài viết về gương điển hình để các cơ quan chuyên môn tuyên truyền nhân rộng. Ở huyện Việt Yên, Ban Thường vụ Huyện ủy có quy định rõ về đảng viên làm kinh tế tư nhân, đồng thời hướng dẫn hoạt động và sinh hoạt đảng phù hợp với đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đảng viên Đỗ Thành Đồng, chủ cơ sở sản xuất gạch ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) nêu kinh nghiệm: “Tại các kỳ sinh hoạt chi bộ thường kỳ, tôi thường xuyên được nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chủ trương của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH. Từ đó kịp thời nắm bắt những cơ hội và thách thức trong quá trình kinh doanh để có những bước đi, điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường”.

Nhóm PV Kinh tế

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...