Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Ngăn ngừa ô nhiễm đất khi chưa quá muộn

Cập nhật: 07:00 ngày 21/10/2017
(BGĐT) - Ô nhiễm đất đang trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về những tác nhân gây ô nhiễm đất, hậu quả và cách giảm thiểu ô nhiễm trong sử dụng đất nông nghiệp.

Khi đề cập ô nhiễm môi trường, người ta thường nghĩ ngay đến nước bẩn, không khí thiếu trong lành, tiếng ồn lớn... Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo ô nhiễm đất ngày càng phổ biến, nguy hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Quan điểm của ông thế nào?

{keywords}

Ông Dương Thanh Tùng.

Đây không còn là vấn đề mới! Chúng ta thường nghĩ đến ô nhiễm nước, không khí nhưng hai yếu tố này đều đổ dồn về đất và đất bị ô nhiễm. Đất “bẩn” nguy hại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sống, sức khỏe con người. Hiện nay, đất “không sạch” ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, liên quan tới năng suất, chất lượng nông sản.

Cũng cần hiểu rõ các loại ô nhiễm này có quan hệ mật thiết với nhau, không khí và nước thải bị “bẩn” làm cho đất ô nhiễm và ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu khiến đất “bẩn’ do chất độc hại tích lũy dần qua các mùa vụ đến vượt mức cho phép. Đất là một yếu tố của môi trường, đã tiếp nhận chất ô nhiễm từ các yếu tố khác ở mọi nơi, mọi lúc. Ngoài ra, các vùng khai thác khoáng sản kim loại thường tạo thành một khu vực khuếch tán, khiến cho hàm lượng nguyên tố này trong vùng đất xung quanh cao hơn so với đất thông thường. Tình trạng xả thải tại các nhà máy, khu, cụm công nghiệp không được kiểm soát tốt, xử lý thiếu triệt để gây ra ô nhiễm đất.

Khi đất ô nhiễm thì việc xử lý, khắc phục là vô cùng khó khăn, mất rất nhiều công sức, tiền của. Do đó cần có biện pháp ngăn chặn, mà quan trọng nhất là nâng cao ý thức của con người trong việc thải bỏ chất thải, ý thức sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học của nông dân.

Qua chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tìm hiểu thực tế canh tác của nông dân, ông đánh giá thế nào về ô nhiễm đất ở Bắc Giang?

Ở tỉnh ta, tình trạng khai thác các loại tài nguyên, khoáng sản không bảo đảm các yếu tố bảo vệ môi trường; nước thải, không khí ở các nhà máy, khu, cụm công nghiệp khi xả ra môi trường không được kiểm soát, xử lý triệt để hay chất thải trong chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, lạm dụng phân bón, thuốc hóa học bảo vệ thực vật (BVTV) đã và đang gây ô nhiễm đất. Một số cánh đồng gần nhà máy sản xuất gạch ở Yên Dũng, nhiều khu ruộng ở vùng trũng thường xuyên bị nước thải, rác thải tồn lưu... đã xảy ra tình trạng không canh tác được, cây trồng không thể sinh trưởng phát triển hoặc năng suất giảm.

Một ví dụ dễ nhận thấy là sử dụng phân bón không đúng cách để lại dư lượng phân bón do cây trồng không hấp thụ hết, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm đất nông nghiệp. Những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, đến nay ở Bắc Giang có khoảng 3 nghìn loại thuốc BVTV (bao gồm thuốc trừ sâu, bệnh và trừ cỏ) đang được sử dụng với khối lượng khoảng 300 tấn/năm. 

Nhiều nơi nông dân lạm dụng phân bón quá mức cần thiết làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thực tế thì khả năng hấp thụ của các loại cây trồng với phân bón, thuốc BVTV chỉ đạt từ 45 - 50%, tức là sử dụng 100 kg phân bón thì chỉ có 45 - 50 kg được cây trồng hấp thụ. Lượng còn lại bị rửa trôi gây ô nhiễm, trong đó một số loại phân bón có tồn dư axít, làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất. Chăn nuôi gia súc cũng ngày càng phát triển, chất thải từ hoạt động này ở nhiều hộ, trang trại chăn nuôi chưa được xử lý đúng kỹ thuật, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm đất, nước, nhất là địa bàn huyện Việt Yên, Hiệp Hòa...

{keywords}

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở ven Khu công nghiệp Quang Châu bị ô nhiễm khiến lúa chết hoặc giảm năng suất.

Quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chất thải từ công nghiệp ngày càng nhiều, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, chuyên môn hóa cao. Ông dự báo tình hình ô nhiễm đất thế nào?

Đất là một nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho con người. Nhưng với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp cùng hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái. Trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, nhiều quốc gia nghèo vì muốn đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế mà xem nhẹ, lơi lỏng bảo vệ môi trường (BVMT) sống và kiểm soát công nghệ đã trở thành nạn nhân của các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.

Nước ta vừa qua cũng đã gặp vấn nạn về những dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường nặng nề. Các nhà khoa học môi trường đã cảnh báo rằng, cùng với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai đang là vấn đề báo động, nhất là trong việc sử dụng nông dược và phân hóa học. Ô nhiễm đất ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh nan y như ung thư đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng mỗi năm. Do đó, vấn đề này cần được ngăn chặn và giải quyết một cách hiệu quả.

Theo ông, làm thế nào để bảo vệ đất “sạch”?

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, theo tôi cần thực hiện ngay các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất nông nghiệp. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc BVTV hiệu quả về kinh tế, lợi cho môi trường nhằm từng bước nâng cao nhận thức bảo vệ đất nông nghiệp. 

Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được quy định rõ về chức năng, thẩm quyền, đồng thời, các quy định về vi phạm hành chính trong BVMT nông nghiệp, bám sát thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, kỹ thuật khu vực nông thôn, bảo đảm tính giáo dục, răn đe đối với người vi phạm.

Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý chất thải, xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho vấn đề quản lý chất thải, trong đó có chất thải nông nghiệp. Đề cao các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và gắn chúng với các biện pháp hỗ trợ cần thiết về tài chính, kỹ thuật cũng như chế tài xử lý vi phạm.

Trong chỉ đạo phát triển sản xuất của ngành thời gian tới theo hướng bảo vệ đất đai khỏi bị ô nhiễm, theo ông cần quan tâm nội dung nào?

Chúng ta phải xác định rõ, BVMT nói chung, đất đai nói riêng là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các địa phương. Hãy cùng chung tay hành động khi chưa muộn. Riêng ngành nông nghiệp sẽ tăng cường quản lý đối với thị trường vật tư đầu vào thiết yếu như: Phân bón, giống cây trồng, thuốc BVTV... hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo vệ lợi ích người nông dân, khuyến khích sản xuất, qua đó bảo vệ đất. 

Làm tốt công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất như cấy lúa theo phương pháp SRI, “ba giảm, ba tăng”; trồng khoai tây theo cách làm đất tối thiểu; sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chăn nuôi an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học; kỹ thuật trồng rừng, chống xói mòn đất lâm nghiệp. Khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, các giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh để hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Khánh (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...