Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng nghề rục rịch lo hàng Tết

Cập nhật: 09:33 ngày 23/10/2017
(BGĐT) - Còn mấy tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc, tại nhiều làng nghề, không khí lao động cũng đã bắt đầu nhộn nhịp. Để kịp thời phục vụ nhân dân, nhiều gia đình tập trung nhân lực, vật lực, đẩy mạnh sản xuất cung ứng sản phẩm ra thị trường.
{keywords}

Dịp Tết, lượng tiêu thụ bánh đa nem Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) tăng khoảng 30%.

Nhộn nhịp vào mùa

Từ nay đến cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của người dân làng nghề làm bánh đa nem ở thôn Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). Để có những tệp bánh đa nem dẻo dai, bắt mắt, người dân làm nghề phải chọn lựa kỹ nguyên liệu, cẩn trọng tráng bánh rồi hoàn thiện. Kế thừa nghề của ông cha để lại, vợ chồng ông Trịnh Xuân Cường (SN 1951) cùng các con đang duy trì và phát huy tốt nghề truyền thống này. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình cung cấp ra thị trường từ 5-7 nghìn chiếc bánh, thu lãi hơn 600 nghìn đồng. Vào vụ chính, cơ sở thường xuyên tăng ca, sản xuất hơn 1 vạn chiếc/ngày. 

“Nghề làm bánh đa nem ở Thổ Hà diễn ra quanh năm, từ nay đến Tết Nguyên đán được xem là thời kỳ cao điểm. Khắp các đường làng, ngõ, xóm, bánh được rải đều tăm tắp trên các giá phơi, không khí lao động tại các gia đình nhộn nhịp”, ông Cường chia sẻ. Được biết, tháng 5-2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu "Bánh đa nem Thổ Hà". Mới đây, sản phẩm này được hợp đồng cung ứng cho BigC. Đây là cơ sở để người dân Thổ Hà duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Những tháng cuối năm, không khí lao động tại các làng mộc thuộc xã Mai Đình, Xuân Cẩm, Đoan Bái (Hiệp Hòa) thêm phần nhộn nhịp bởi nhu cầu mua sắm đồ gỗ dân dụng tăng cao, nhất là những mặt hàng như: Giường, tủ, bàn, ghế... Trên trục đường xã Đoan Bái có rất nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ. Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ gia đình làm nghề, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương và các xã lân cận. 

Ông Nguyễn Văn Anh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở thôn Khánh Vân (Đoan Bái) cho biết: “Thôn Khánh Vân làm mộc đã vài chục năm. Trước đây, các gia đình sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu bán trong huyện. Từ khi cơ chế mở cửa, nhiều xưởng gỗ mua sắm máy móc về làm nghề nên quy mô mở rộng, có thời điểm gần nửa làng làm đồ gỗ”. Được biết, vào dịp giáp Tết, cơ sở sản xuất của gia đình ông Anh phải thuê thêm 7 lao động thời vụ (trong đó có 4 thợ lành nghề), nhiều hôm tăng ca đến 22 giờ. Để kịp hàng xuất đi các tỉnh và xuất khẩu, gia đình ông và nhiều chủ xưởng gỗ đã khoán sản phẩm cho các tổ sản xuất tại địa bàn lân cận gia công sản phẩm. Cả xã như một xưởng sản xuất khép kín, có tổ nhận gỗ từ xưởng về chế biến, sau đó tổ khác nhận lắp ráp, mài bóng, phun sơn...

Giữ vững thương hiệu

{keywords}

Hiện toàn tỉnh có hơn 500 làng nghề, trong đó có 33 làng được công nhận làng nghề. Để sản phẩm từ các làng nghề phát triển bền vững và có chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhãn mác, bao bì và đầu ra sản phẩm. Trước mắt, xây dựng nhãn mác, kênh phân phối đối với rượu làng Vân và mỳ Chũ".


Ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương.

Theo ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà, mấy năm gần đây, người dân đã chuyển sang sản xuất bánh đa nem bằng máy. Mỗi chiếc máy làm bánh có giá khoảng 20 triệu đồng do một lao động vận hành đạt năng suất hơn 1 vạn chiếc bánh/ngày. Cùng đó, các công đoạn cắt bánh, phơi cũng được sử dụng bằng máy. “Hiện hơn 70% số hộ trong thôn lắp đặt máy tời để đưa bánh lên “trời” phơi. 

Giải pháp này không chỉ giảm được công vận chuyển mà còn tận dụng được nắng, gió tự nhiên. Nhờ đó, bánh có độ dẻo dai”. Nghề làm bánh đa nem ở Thổ Hà được truyền qua nhiều đời, mỗi cơ sở làm nghề lại có bí quyết riêng để tạo đặc trưng cho sản phẩm, có dán nhãn mác riêng, thường là tên chủ hộ. Mỗi mẻ bánh làm ra, người chủ kiểm tra độ thơm, dẻo dai của sản phẩm. Đây cũng chính là bí quyết để bánh đa nem Thổ Hà đứng vững trên thị trường.

Xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) từ lâu đã nổi tiếng với thương hiệu bánh chưng Hoàng Vân. Toàn xã có khoảng 50 gia đình nhận làm bánh quanh năm phục vụ ngày lễ, cưới hỏi, đám giỗ. Vào dịp Tết âm lịch, nhiều gia đình, cơ quan của tỉnh cũng như ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội thường về đây đặt hàng. Khác với bánh chưng nơi khác, bánh chưng Hoàng Vân được gói cẩn thận bằng lá chít, có hình dạng dài như bánh tét. Nhờ những bí quyết của làng nghề truyền thống nên thương hiệu bánh chưng ở đây được nhiều người biết đến và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thời điểm này, dù chưa nhận được đơn hàng chính thức nhưng qua nắm bắt tình hình, không ít hộ nhận định, nhu cầu đặt mua bánh chưng làng Vân dịp Tết sẽ tăng 5-10% so với năm trước. Một phần vì nhiều gia đình bận làm ăn không có điều kiện để gói bánh; phần khác là do chất lượng bánh chưng làng Vân đã được mọi người biết đến. 

Tương tự tại các làng nghề: Mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang); mỳ gạo Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), Thủ Dương (Lục Ngạn)… hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu sôi động. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các chủ sản xuất coi trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Anh cho biết thêm: "Từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ giao hơn 30 bộ bàn ghế, tăng 25% so với dịp Tết năm ngoái. Xu hướng của khách hàng năm nay thay đổi khi phần lớn tìm mua những bộ bàn ghế được đầu tư công phu với yêu cầu cao hơn về kỹ thuật, họa tiết trang trí mới. Vì thế giá bán cũng cao hơn 20-25%, vào khoảng 100-105 triệu đồng/bộ".

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...