Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khắc phục ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 09:33 ngày 23/10/2017
(BGĐT) - Không chỉ chú trọng thu hút các dự án đầu tư tiềm năng, những năm qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực xây dựng, cải tiến công nghệ xử lý nước thải tại cụm công nghiệp (CCN). Qua đó góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
{keywords}

Hồ điều hòa, xử lý nước thải tại CCN Đồng Đình (Tân Yên).

Trước đây, CCN Đồng Đình, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) vẫn được biết đến là một trong những "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường với nhiều đơn thư, khiếu nại nước thải từ đây tràn ra gây mùi khó chịu, làm thất thu lúa, hoa màu, thủy sản của người dân. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2011, UBND huyện Tân Yên tiếp nhận hơn 5,7 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư đầu tư một số công trình hạ tầng, thu gom, xử lý nước thải tại CCN. Theo đó, thay vì xả thẳng ra môi trường, nước thải sau xử lý, đạt tiêu chuẩn tại DN được thu gom vào đường ống dẫn ra hai hồ điều hòa lắng cặn. Các hồ được thả cá và một số loại thủy sinh để theo dõi độ an toàn nước. Nhờ đó, hơn 5 năm trở lại đây, người dân không còn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN.

Với công nghệ xử lý nước thải như vậy, CCN Đồng Đình đang bảo đảm hoạt động của 7 DN, tạo việc làm ổn định cho khoảng 6 nghìn người. Ông Phạm Thế Dị, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Tân Yên chia sẻ, hệ thống này mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa đáp ứng kỳ vọng mở rộng CCN thời gian tới. UBND huyện đang thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Đồng Tâm (Hải Dương) hoàn thiện thủ tục xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại, công suất hơn 2 nghìn m3/ngày đêm; tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng tại đây. Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ, lấy ý kiến các ngành liên quan, dự kiến triển khai trong năm tới.

Hiện nay, các CCN đang thu hút 220 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 69,1%. CCN đang tạo việc làm cho gần 48 nghìn lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Vấn đề xử lý nước thải tại CCN cũng được UBND TP Bắc Giang quan tâm thực hiện với 3/7 CCN đã xây dựng công trình xử lý nước thải. Trong đó, năm 2013, ngay khi thành lập CCN Thọ Xương, địa phương hỗ trợ 30% kinh phí giúp DN xây dựng đường ống thu gom, bể xử lý nước thải với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Chỉ đạo các đơn vị tại CCN Xương Giang 2 góp vốn đầu tư đường ống thu gom nước thải hơn 750 triệu đồng. Nhìn chung, với đa phần DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, xây dựng, lắp ráp điện tử, kho bãi... chủ yếu phát sinh nước thải sinh hoạt, biện pháp xử lý hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. TP đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy xử lý nước thải hiện đại với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng tại CCN Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch đầu tư trạm xử lý nước thải tại những CCN còn lại được chuyển về từ các huyện khi sáp nhập địa giới hành chính. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người dân quanh CCN.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 33 CCN, tổng diện tích 877,3 ha. Tuy vậy, chỉ có 5 CCN gồm: Xương Giang II, Thọ Xương, Bãi Ổi (TP Bắc Giang), Đồng Đình (Tân Yên), Đại Lâm (Lạng Giang) đã, đang được đầu tư, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng có hạn, chưa đáp ứng nhu cầu; việc huy động xã hội hóa chưa hiệu quả. Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút DN kinh doanh hạ tầng tại CCN chưa đủ mạnh; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở về chủ trương, trách nhiệm quản lý phát triển các CCN chưa đầy đủ, quyết liệt.

Từ thực tế này, Sở Công thương đang xây dựng đề án phát triển đồng bộ hạ tầng CCN đến năm 2020. Ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, chủ trương của đề án là ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng nhà máy lý nước thải tập trung song tối đa không quá 2,5 tỷ đồng/CCN. UBND các huyện, TP phải bố trí ngân sách, huy động vốn từ DN tại CCN để đối ứng hoàn thiện, bảo đảm xử lý triệt để nước thải tại các CCN trên địa bàn.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...