Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Không biến chợ thành nhà

Cập nhật: 09:48 ngày 31/10/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý song một số công trình “biến tướng”, sử dụng không đúng mục đích, gây bức xúc trong nhân dân.
{keywords}

Dãy nhà cao tầng tại chợ Quán Thành (TP Bắc Giang) được nhiều người thuê chỉ để ở.

Theo Sở Công thương, 10 năm qua, toàn tỉnh có hơn 30 chợ do doanh nghiệp (DN), hợp tác xã quản lý, tập trung tại TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa. Việc chuyển đổi đã huy động được nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo mạng lưới chợ, giúp hạ tầng thêm khang trang, hiện đại.

Vậy nhưng nhiều chợ được sử dụng không đúng mục đích. Ví như chợ Hòa Yên, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). Theo giấy chứng nhận đầu tư  do UBND tỉnh Bắc Giang cấp ngày 6-10-2009, chợ Hòa Yên do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ tổng hợp Phương Thanh đầu tư cải tạo, nâng cấp trên diện tích hơn 15,8 nghìn m2. Các hạng mục chính của chợ gồm: Nhà cầu chợ chính, ki ốt, khu dịch vụ ăn uống, khu vệ sinh chung. Nhưng tại dự án này, dãy ki ốt cạnh đường giao thông đều được xây hơn một tầng, có gác xép và nhà vệ sinh riêng lẻ. Nhiều ki ốt người dân mua chỉ để ở mà không kinh doanh. Chị Nguyễn Thị A, chủ một ki ốt cho biết: “Có chút vốn tích cóp được sau khi đi xuất khẩu lao động về, vợ chồng tôi mua ki ốt tại chợ để ở vì thấy phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Sau đó tôi sửa sang thêm, làm bếp nấu ăn, sinh hoạt”. Cách nhà chị A vài bước chân, một hộ xây thêm tầng hai trên đất thuê của chợ. Được biết, từ năm 2016 đến giữa năm nay, DN này còn cho thuê theo mét vuông. Theo đó, người dân phải trả khoảng 5 triệu đồng/m2 (175 triệu đồng/ki ốt rộng 35 m2), sau đó tự bố trí kinh phí xây dựng, hoàn thiện. Do vậy có tình trạng mỗi nhà làm một kiểu.

Chợ Quán Thành, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) được xây nhiều ki ốt, có dãy 3,5 tầng. Thấy chúng tôi có nhu cầu thuê nơi ở, một chủ tiệm làm tóc tại đây dẫn đi các phòng. Mỗi tầng có một nhà vệ sinh. Chị nói: “Cả dãy này, nhà nào cũng hơn ba tầng nhưng chỉ mình tôi kinh doanh. Còn lại đa phần là hộ gia đình thuê để ở”. Cùng đó, chợ Tiền Môn, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cũng tương tự. Quan sát chợ Tiền Môn cho thấy có nhiều người thuê ở, kinh doanh. Dọc các dãy hành lang, vật dụng để lộn xộn, mất mỹ quan. Gần đây nhất, người dân bức xúc phản ánh dự án xây dựng chợ Hoàng Ninh (Việt Yên) bị biến tướng, xây dựng những khối nhà liền kề, có thiết kế từ ba đến năm tầng.

Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ quy định chủ đầu tư xây dựng chợ mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp phải thực hiện đúng quy trình về xây dựng. Đặc biệt, phải bố trí các công trình cấp thoát nước, khu vệ sinh công cộng, bảo đảm vệ sinh môi trường trong phạm vi chợ theo các tiêu chuẩn quy định. Như vậy, áp theo quy định này thì hầu hết các chợ nêu trên không bảo đảm tiêu chí.

{keywords}

Một góc chợ Tiền Môn (TP Bắc Giang).

Để tồn tại những ngôi nhà ở trong các khu chợ phát sinh nhiều hệ lụy. Trước hết là nguy cơ cao xảy ra cháy nổ vì đa phần các hộ sinh sống tại đây đều dùng gas, điện để đun nấu. Về lâu dài còn dẫn đến tranh chấp, khó xử lý liên quan đến đất đai khi dự án hết thời hạn thuê. Bởi không ít người dân bỏ ra một số tiền rất lớn thuê nhà tại chợ và nghĩ rằng về lâu dài sẽ thuộc sở hữu của mình nên thường đầu tư cơi nới, sang sửa mặt bằng được thuê. Bà Nguyễn Thị B, thuê ki ốt 50 năm tại chợ Quán Thành chia sẻ: “Trước sau đất này cũng là của nhà mình vì thuê hàng mấy chục năm liên tục mà, ai còn nhớ để sau này đòi lại nữa. Vì vậy, tôi bỏ tiền cải tạo một số hạng mục theo ý mình để sinh hoạt cho thoải mái”. Suy nghĩ này là không đúng vì thời hạn thuê đất của các dự án đã được ghi rõ trong giấy chứng nhận đầu tư.

Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2020, toàn bộ các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi có cơ sở vật chất không bảo đảm sẽ được cải tạo, nâng cấp; xây dựng mới một số chợ ở các cụm dân cư, khu, cụm công nghiệp và trung tâm cụm xã theo mô hình chuyển đổi. Để phòng ngừa sai phạm, trong nhiều phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cần tuân thủ các quy định, bảo đảm đúng mục đích; tuyệt đối không được biến chợ thành nhà. Theo đó, đồng chí chỉ đạo các sở, ngành, huyện, TP cần bám sát chặt chẽ, thẩm định kỹ các dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới chợ trước khi triển khai, quá trình thực hiện dự án có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng; không để xảy ra tình huống “sự đã rồi” mới khắc phục. Đặc biệt cần chú ý xây dựng khu vệ sinh chung, không làm riêng lẻ.

Không khó để nhận ra nhiều ki ốt đang biến thành nhà ở tại các chợ khi chuyển đổi hình thức quản lý, thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ. Dư luận đặt câu hỏi tại sao những vi phạm trên kéo dài mà không bị xử lý dứt điểm và đang tiếp tục gia tăng? Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay các sai phạm.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...