Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác hiệu quả lò đốt rác

Cập nhật: 09:08 ngày 13/12/2017
(BGĐT) - Trước tình trạng rác thải phát sinh lớn, tràn lan, tỉnh đã hỗ trợ lò đốt rác tập trung bảo đảm tiêu chuẩn cho một số xã để khắc phục. Hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, xử lý rác kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường.
{keywords}

Lò xử lý rác thải tại thị trấn Vôi (Lạng Giang).

Giữ vững tiêu chí môi trường

Thị trấn Vôi (Lạng Giang) là nơi tập trung đông dân cư, đồng thời diễn ra nhiều hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa nên lượng rác hằng ngày tương đối lớn. Vì vậy, huyện chỉ đạo thị trấn quy hoạch, hình thành bãi rác tập trung ở vị trí xa khu dân cư gần 3 km; thành lập tổ thu gom rác tại các thôn. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2014, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã hỗ trợ thị trấn lắp đặt lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản. Để xử lý rác hiệu quả, thị trấn giao cho các đoàn thể tổ chức tuyên truyền về việc phân loại rác; hỗ trợ thùng chứa rác cho người dân. Nhờ đó, rác thải sinh hoạt được xử lý hiệu quả, bình quân đốt hơn chục m3/ngày. Đến khu xử lý rác vào ngày 9-12, chúng tôi thấy một số người đưa rác hữu cơ vào lò ủ để xử lý thành phân vi sinh, nhóm khác chuyển rác vô cơ vào lò đang cháy. Khói tỏa ra màu trắng, không có mùi khét. Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Tân Luận, xã Phi Mô (Lạng Giang), người làm thuê tại đây, nói: "Rác qua lò thành tro sẽ được chúng tôi hót dọn, chôn lấp tại khu xử lý".

Cuối năm 2014, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí quốc gia. Ông Hoàng Hữu Hải, Chủ tịch UBND xã nói: “Dù được công nhận nhưng xã xác định tiêu chí này rất khó duy trì. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Cảnh Thụy đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt. Từ khi có công trình này, tình trạng rác ùn ứ không còn”. Theo ông Hải, các thôn đều thành lập tổ thu gom đưa rác về nơi tập trung để xử lý. Vì vậy, xã Cảnh Thụy đã duy trì, giữ vững tiêu chí môi trường.

Thực hiện tốt khâu phân loại

{keywords}

6 năm thu gom rác cho thôn, tôi thấy người dân đều có ý thức phân loại tại nhà. Bởi lẽ, thôn họp dân và thống nhất, nếu hộ nào không phân loại thì người gom rác có quyền không vận chuyển cho hộ đó nên nhà nào cũng có hai xô, một chứa rác hữu cơ còn lại đựng rác vô cơ”.


Bà Đào Thị Hiền, thôn Non Cải, thị trấn Vôi (Lạng Giang)

 

Theo Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh, căn cứ vào tình hình “nóng” rác thải nông thôn, đơn vị tham mưu với UBND tỉnh dành nguồn lực hỗ trợ lắp đặt lò đốt rác tại các xã xây dựng NTM. Giai đoạn 2014-2016, tỉnh hỗ trợ xây 14 lò xử lý rác thải, tập trung tại huyện Lục Nam, Sơn Động, Hiệp Hòa, Tân Yên. Tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do tỉnh quản lý. Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Các bước lựa chọn nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư được triển khai đúng Luật Đầu tư công. Đặc biệt, phương tiện, thiết bị trước khi đi vào vận hành chính thức đều được kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền”.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh rác thải tràn lan khắp nơi thì việc xây dựng, lắp đặt các lò đốt rác như trên là giải pháp phù hợp, bước đầu mang lại hiệu quả. Nhiều địa bàn, người dân đã hình thành thói quen tập kết rác đúng nơi quy định. Việc xử lý rác thải thuận lợi hơn. Qua đó, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho làng quê phong quang, sạch sẽ.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, chất lượng cuộc sống được nâng lên cũng đồng nghĩa rác thải sinh hoạt lớn. Ông Lê Anh Huy, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang cho biết: “Lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày tăng lên theo cấp số nhân. Đơn cử, thị trấn Vôi hiện nay mỗi ngày phát sinh 20 m3 rác, tăng gấp đôi so với hai năm trước”. Trong khi công suất xử lý rác của công trình có hạn đã khiến nhiều bãi rác tập trung và lò đốt bị quá tải. Ví như, tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), lò đốt có công suất 7 m3 rác/ngày nhưng thực tế, mỗi ngày tại thị trấn thải ra từ 8-10 m3 rác, dẫn tới rác tồn đọng ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, lò đốt rác ở thị trấn Tân Dân (Yên Dũng) được mở rộng phạm vi hoạt động, nhiều đầu mối gom rác tập trung về đây để đốt. Có thời điểm xử lý không xuể. Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn ở hầu hết các địa phương chưa tốt nên giảm hiệu quả của lò. Có nơi, người dân vứt nguyên xác động vật gồm gà, vịt, thậm chí lợn bệnh nặng đến cả tạ vào bao rác. Điều này không những gây khó khăn cho người thu gom mà còn tiềm ẩn lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Để xử lý triệt để chất thải phát sinh, các hộ dân cần nâng cao ý thức, nhất là làm tốt khâu phân loại tại nguồn, không vứt rác bừa bãi. Các địa phương bảo đảm nguồn kinh phí duy trì hoạt động của tổ thu gom rác; định kỳ bố trí kinh phí bảo dưỡng để nâng độ bền của các lò đốt rác.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...