Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nông sản vụ đông: Giá cao, bán chạy

Cập nhật: 09:04 ngày 26/12/2017
(BGĐT) - Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá rau xanh tăng cao. Vì vậy, nông dân trong tỉnh có niềm vui lớn từ ruộng đồng, còn các tiểu thương chỉ cần chậm chân là hết hàng, không đủ lượng cung cấp cho thị trường.
{keywords}

Tiểu thương thu mua nông sản tại thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang).

Giá cao gần gấp đôi

Hiện nay, rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu trong tỉnh cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước. Đơn cử, cà chua 12-15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8-9 nghìn đồng/cây; su hào 7-8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18-20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8-12 nghìn đồng/kg; 50-60 nghìn đồng/kg ớt... Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Tại đây, gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. Bà Là cho biết: “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy làm thức ăn chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”.

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Các loại cây rau như: Hành hoa, ớt, các loại cây họ cà (cà chua, khoai tây xuân), rau họ cải (bắp cải, su hào, súp lơ...) phải tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trong những ngày rét đậm. Bón thêm kali, lân, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ,  thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, giá rau tăng mạnh là do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, việc liên kết tiêu thụ cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ. Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào (Lạng Giang), nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500 ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung, ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác, nhóm hộ”. Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5-10 ha/mô hình.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang, từ nay đến cuối mùa đông vẫn còn khoảng 4-6 đợt rét đậm, rét hại xuất hiện. Trong giá rét có thể kèm theo sương muối. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đủ nguồn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nông dân cần theo dõi thời tiết. Những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...