Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến dịch thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 11:33 ngày 27/12/2017
(BGĐT) - Dịp cuối năm, nông dân các địa phương đang tập trung nguồn lực, phương tiện để nạo vét, cứng hóa kênh mương nhằm bảo đảm tưới tiêu thuận lợi, giảm thất thoát nước, tăng năng suất cây trồng. 

{keywords}

Ban công tác mặt trận thôn Trung An, xã Lan Mẫu ( Lục Nam) kiểm tra công trình kênh mương nội đồng.

Đồng loạt ra quân

Những ngày này, bà con thôn Trung An, xã Lan Mẫu (Lục Nam) đang tập trung cứng hóa đoạn kênh dài gần 500 m dẫn nước từ trạm bơm Hàm Rồng về cánh đồng Chính rộng hơn 20 ha. Trước đây, toàn bộ là kênh đất, gặp mưa thường bị sạt, lún gây tắc nghẽn dòng chảy. Mỗi năm, địa phương nạo vét từ 3-4 lần. Năm nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng sự đồng lòng của người dân, nhiều tuyến kênh, mương được cứng hóa, thuận tiện cho các hộ canh tác. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng thôn Trung An cho biết: “Hơn 100 hộ dân trong thôn góp tiền, nhiều gia đình còn ủng hộ ngày công, nhờ đó, sau gần hai tuần ra quân, kênh mương dần hoàn thiện, tiết kiệm được gần 50 triệu đồng”. Tại các thôn Lan Hoa, Muối, Chính Hạ, Trung Hậu cùng xã Lan Mẫu, người dân tích cực nạo vét, khơi thông dòng chảy và cứng hóa kênh mương với tổng chiều dài gần 7 km. Dự kiến hết tháng 12, huyện Lục Nam hoàn thành kiên cố hóa 222 km kênh mương, phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Rời huyện Lục Nam, chúng tôi tới xã Hương Lạc (Lạng Giang). Tại đây, bà con đang cứng hóa kênh mương để hoàn thành tiêu chí NTM vào năm 2018. Hơn một tuần nay, tại cánh đồng của thôn 3 và 4, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên chung tay nạo vét các tuyến kênh nhỏ dẫn nước nội đồng. Cùng đó, từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM, đoạn kênh dài 200 m nối từ đồng Non Xanh đến đồng Ngang thuộc thôn 5 và 6 đang được cứng hóa. Theo ông Phạm Quốc Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã, Hương Lạc có diện tích trồng hoa màu khá lớn nên việc xây dựng, cải tạo, tu bổ hệ thống thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng. Ngay khi bước vào mùa khô, UBND xã đã chỉ đạo các thôn huy động nhân lực nạo vét, khơi thông dòng chảy và bê tông hóa một số đoạn kênh. Sau gần một tháng ra quân, xã nạo vét 3 nghìn m3 bùn đất, bảo đảm nước tưới cho 150 ha diện tích trồng rau màu trong vụ đông. 

Năm nay, để nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, UBND huyện Lạng Giang giao cho từng xã trực tiếp lựa chọn các địa điểm thi công, ưu tiên kinh phí hỗ trợ các xã đăng ký về đích NTM trong năm tới như: Đào Mỹ, Tiên Lục, Hương Lạc, Mỹ Thái. 

Cứng hóa theo thiết kế mẫu

{keywords}

“Năm nay, toàn tỉnh cứng hóa  hơn 2,4 nghìn km, nạo vét  hơn 1 triệu m3 đất trên các tuyến kênh mương nội đồng. Các huyện, TP đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào đầu tháng 1, bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất”.


Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT)

Toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ sửa chữa và xây mới 552,9 km kênh mương bảo đảm tưới tiêu phục vụ cho khoảng 70 nghìn ha diện tích canh tác mỗi vụ. Hằng năm, tại các huyện, TP, ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước, nhiều địa phương còn có những cách làm riêng để việc cứng hóa, nạo vét thủy lợi đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm ở Lạng Giang cho thấy, ngay từ đầu năm, huyện đã giao cho phòng chuyên môn lập kế hoạch làm thủy lợi, chia làm hai đợt trước mùa mưa và trong mùa khô. Năm qua, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ gần 250 triệu đồng cho các xã vừa đạt chuẩn NTM. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện cứng hóa 285 km, nạo vét hơn 700 km kênh mương nội đồng, hoàn thành gần 90% kế hoạch. 

Là huyện có thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao, những năm qua, Yên Dũng đã quan tâm huy động nhân dân làm thủy lợi nội đồng. Riêng năm 2017, huyện được phân bổ gần 20 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM cho các xã, số tiền này trích một phần cùng với đóng góp của người dân để làm công tác thủy lợi. Năm nay, Yên Dũng kiên cố hóa gần 90 km, trong đó người dân hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp gần một tỷ đồng. Các xã thực hiện xây theo mẫu thiết kế đối với từng loại kênh. Tiêu biểu như xã Tiền Phong có đoạn kênh cấp 3 dài 3,8 km, cung cấp nước cho thôn Yên Sơn, Bình An, Thành Công vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Xã vận dụng theo thiết kế mẫu gồm: Kênh xây gạch, trát xi măng, chiều cao, rộng, mặt đáy theo quy định... đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng. 

Theo ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, quy mô sản xuất nông nghiệp Bắc Giang còn manh mún, chưa tập trung nên đầu tư cho thủy lợi khá tốn kém. Để làm tốt công tác này, năm nay các huyện, TP đều thực hiện thi công theo thiết kế mẫu giúp tiết kiệm chi phí, bố trí kinh phí, ưu tiên cho các xã đăng ký về đích NTM xây dựng trước.Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân dồn điền đổi thửa, góp công sức, tiền để xây mới và bảo dưỡng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...