Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đổi thay ở "vùng 135"

Cập nhật: 07:00 ngày 30/12/2017
(BGĐT) - Được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, hệ thống các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi của các  xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khoác lên mình “áo mới”. Giờ đây, bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, vươn lên trong cuộc sống.
{keywords}

Tuyến đường xã An Lạc (Sơn Động) được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình  135.

Ưu tiên hạ tầng thiết yếu

Vô Tranh là một trong những xã ĐBKK của huyện Lục Nam được thụ hưởng Chương trình 135. Trước năm 2016, nhiều thôn, bản thiếu nước sản xuất; rất ít thương nhân đến thu mua nông sản bởi đường giao thông gập ghềnh, lắm ổ voi, ổ gà. Trước những trở ngại đó, hai năm qua, được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, xã đã họp dân, thống nhất ưu tiên làm một số công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, xã dành hơn 600 triệu đồng nâng cấp kênh dẫn nước từ trạm bơm Bãi Bò tới cánh đồng Đọt thôn Đình Gàng, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới cho 20 ha lúa, hoa màu.  

Bằng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, hai năm qua, xã Vô Tranh đã nâng cấp, xây mới 7 đoạn kênh mương, trạm bơm và một số tuyến đường. Sau khi hoàn thành, hơn 200 ha lúa chủ động được nước tưới, tăng 70-80 ha so với trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm 3%/năm. Về Vô Tranh hôm nay, làng quê như đang thay “áo” mới. Xe chạy bon bon trên đường bê tông phẳng lì mang tên "đường 135” từ bản Quảng Hái Hồ đến thôn Ao Vè, Đình Gàng. 

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng thường xuyên thiếu nước sản xuất, năm trước, được Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, xã Tân Lập (Lục Ngạn) dành toàn bộ cứng hóa kênh mương tại cánh đồng thôn Khả Lã. Công trình được khẩn trương thi công, sau hơn một tháng đã hoàn thiện, dẫn nước cho hơn 15 ha đất canh tác. So với trước đây đời sống bà con khấm khá hơn.

Được biết, 40 xã và 99 thôn, bản ĐBKK ở các huyện miền núi, vùng cao được đầu tư xây mới, nâng cấp gần 200 công trình phục vụ sản xuất và đời sống. 

Diện mạo đổi thay

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hai năm trở lại đây, hệ thống các công trình hạ tầng ở vùng ĐBKK từng bước được đầu tư đồng bộ, góp phần "kéo" tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 đến 4%/năm, hiện còn hơn 30%.

Theo ông Nhữ Văn Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hàng loạt công trình trong tỉnh được xây mới, nâng cấp, tạo đà cho nông dân mở mang sản xuất. Hiện nay, đồng bào vùng khó khăn không chỉ canh tác 2 vụ lúa/năm ăn chắc mà còn mạnh dạn trồng cây ăn quả có giá trị cao như: Bưởi Diễn, da xanh, cam, ổi, táo... thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Các xã, thôn bản ĐBKK được Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng xây dựng hạ tầng. Xác định đây là “đòn bẩy” giúp các địa phương nâng cấp đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, kênh mương nội đồng nên sau khi được tiếp nhận vốn, UBND các huyện đã phân bổ chi tiết kinh phí và giao cho các xã trực tiếp làm chủ đầu tư. Cách làm này vừa giúp cơ sở chủ động lựa chọn công trình thiết yếu vừa phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ. Những hạng mục được đầu tư cải tạo phần lớn là giao thông, kênh mương theo đúng nguyện vọng của bà con. Ban Dân tộc tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp ban hành thiết kế mẫu điển hình đối với từng nhóm công trình, giúp cơ sở dễ áp dụng. Ông Lê Văn Hồng, thôn Quất Sơn, xã Bảo Sơn (Lục Nam) chia sẻ, năm ngoái, do có thiết kế mẫu, khi thi công đập dâng, hố thu chứa nước tưới của thôn đã giảm hàng chục triệu đồng do không phải thuê thiết kế. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các xã tích cực vận động bà con hiến đất, góp ngày công, giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại huyện Yên Thế, năm 2017, người dân vùng ĐBKK hiến hơn 1 nghìn m2 đất, góp hàng nghìn ngày công làm đường, cứng hóa kênh mương. 

Bằng cách làm trên, diện mạo làng quê ở vùng ĐBKK đổi thay từng ngày, đời sống người dân được cải thiện rõ nét, khoảng cách giàu nghèo giữa các xã miền núi, vùng cao với miền xuôi dần rút ngắn. Cuộc sống ấm no hiện hữu khắp các thôn, bản.     

  Hải Minh- Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...