Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Tăng hiệu quả, giảm phụ thuộc vào thời tiết

Cập nhật: 07:00 ngày 30/12/2017
(BGĐT) - Xưa nay, trồng trọt, chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, nông dân phải trông trời, trông đất để sản xuất. Giờ đây, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) xuất hiện không những giảm lệ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh mà còn mang lại hiệu quả vượt trội.
{keywords}

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở thôn Kiểu, xã Bích Sơn (Việt Yên).

Tiêu thụ sản phẩm thuận lợi

Đến thăm trang trại nuôi chim bồ câu CNC của gia đình chị Nguyễn Thị Phú, thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam), nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô cũng như phương pháp chăm sóc. Mùa đông, gió thổi từng cơn buốt giá nhưng trong chuồng nuôi luôn ấm áp vì được che chắn bằng bạt, lưới thép cùng nhiều bóng điện bật sáng. Chị Phú chia sẻ về “bí kíp” của nghề. Lâu nay, người dân thường nuôi chim bồ câu bằng những thùng gỗ, sáng sớm, chiều tối mới cho ăn. Vì thế, khoảng thời gian còn lại chim bay đi kiếm ăn, đôi khi bị lạc, hao hụt đàn. Có lúc lại làm vỡ, gây dột mái ngói ở thôn quê. Sau khoảng 45 ngày mới được một lứa chim non, hiệu quả kinh tế rất thấp. 

Qua tìm hiểu, chị đã khắc phục thành công nhược điểm trên bằng cách nuôi chim trong lồng sắt theo từng cặp. Mỗi lồng có giỏ nhỏ đựng trứng riêng. Tất cả trứng được ấp trong lò. Chị Phú nói: “Tôi chọn cặp chim bố mẹ “khéo” để nuôi 4-5 con non. Những cặp chim khác không phải nuôi con sẽ nhanh chóng sinh sản trở lại sau khoảng một tuần, giảm gần 40 ngày so với trước. Với 7 nghìn cặp bồ câu, bình quân tôi bán khoảng 10 nghìn con thương phẩm/tháng với giá 70 nghìn đồng/con, hạch toán lãi khoảng 200 triệu đồng/tháng. Nhiều thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của khách”. 

Tương tự, quy mô có hạn nên mô hình trồng rau trong nhà màng hơn 3 nghìn m2 của hộ chị Giáp Thị Thạo, thôn 8, xã Việt Tiến (Việt Yên) cũng làm ra đến đâu, bán hết sản phẩm đến đấy. Đến thăm mô hình vào thời điểm trời mưa nặng hạt nhưng trong khu sản xuất vẫn khô ráo, người dân lao động bình thường. Theo chị Thạo, do trong nhà màng có hệ thống tưới phun sương, đường ống xung quanh và chủ động được đất canh tác nên có thể kéo dài thời gian cho quả của cây trồng. Ví như, cà chua bi thu hoạch trong 6 tháng, gấp đôi so với trước, năng suất đạt 4 tấn/sào. Doanh thu khoảng 40 triệu đồng/sào, tương đương gần một tỷ đồng/ha.     

Khích lệ tinh thần sáng tạo 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Nghị quyết số 130 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp, sau hơn một năm, toàn tỉnh xây dựng 21 mô hình, đạt kế hoạch đề ra, chưa kể hàng chục mô hình của các cá nhân tự đầu tư. Những mô hình đều liên kết chặt chẽ bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận cao gấp 5-6 lần so với thông thường.                      

{keywords}

Lò ấp trứng của gia đình chị Nguyễn Thị Phú, thôn Hà  Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam).

Kết quả trên là minh chứng cho thấy, Nghị quyết 130 hợp lòng dân, thể hiện hướng đi đúng của tỉnh trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Chính quyền các địa phương và người dân đón nhận tích cực, thể hiện quyết tâm cao. Năm 2017 là giai đoạn khởi động song huyện Hiệp Hòa đã xây dựng 6 mô hình CNC. 

Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Kinh nghiệm của huyện là chú trọng tuyên truyền và tổ chức tham quan, học tập cách làm hay ở trong và ngoài nước. Qua đó khích lệ đam mê làm giàu từ sản xuất nông nghiệp của nhiều tổ chức, cá nhân”. Đơn cử như gia đình bà Ngô Thị Họa, thôn Sơn Quả 2, xã Lương Phong. Luôn mong muốn làm giàu trên đồng đất quê hương, sau chuyến học tập tại một số nơi, bà mạnh dạn đầu tư hơn một tỷ đồng trồng khoảng 3 nghìn m2 hoa cúc, ly, lay-ơn, tuy-líp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Từ mô hình bước đầu này, huyện Hiệp Hòa đã giải phóng đất, xây dựng “thiên đường hoa” tại khu vực ven quốc lộ 37, đoạn qua xã Lương Phong.

Hình thành vùng tập trung

Đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ hình thành và phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, 7 vùng rau với diện tích hơn 700 ha ở các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; một vùng hoa diện tích 50 ha tại TP Bắc Giang; một vùng sản xuất chè có diện tích 300 ha tại Yên Thế; hai vùng vải thiều diện tích 800 ha tại Lục Ngạn, Tân Yên, còn lại là chăn nuôi lợn, gà và trồng nấm, cây ăn quả có múi.

Những lợi thế, ưu điểm đã được khẳng định song việc triển khai các mô hình thời gian qua vẫn gặp một số trở ngại. Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) nêu: “Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất khá lớn, khoảng  1 tỷ đồng/mô hình nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất khó khăn. HTX đã nhiều lần liên hệ với ngân hàng và đều bị từ chối vì không có tài sản thế chấp”. Nhiều mô hình còn vướng về mặt bằng, tích tụ ruộng đất. 

Trước những vấn đề trên, một số ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch. Chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về mặt bằng. 

Tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá, kết quả xây dựng các mô hình thời gian qua khá tốt, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, người dân. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất thời gian tới phải toàn bộ là tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; sản xuất theo quy trình chung để có sản phẩm đồng đều, có đóng gói bao bì, nhãn mác. Bước đầu là những mô hình nông nghiệp CNC nhỏ lẻ như hiện nay, tiến tới phải hình thành vùng tập trung, để đủ sản phẩm cung cấp theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...