Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thênh thang đường làng

Cập nhật: 08:26 ngày 02/01/2018
(BGĐT) - Được chính quyền các cấp hỗ trợ xi-măng và công vận chuyển, người dân ở nhiều thôn, xóm trong tỉnh Bắc Giang đã cùng góp sức nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn (GTNT). Hàng trăm km đường được cứng hóa trong năm 2017 giúp bà con lưu thông thuận tiện, làm thay đổi diện mạo làng quê.
{keywords}

Người dân thôn Quyết Thắng 1, xã Xương Lâm (Lạng Giang) làm đường bê tông.

Chính quyền, người dân chung tay

Những ngày tháng 12, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, chính quyền, người dân đang tập trung cứng hóa những tuyến giao thông. Tại thôn Quyết Thắng 1, xã Xương Lâm (Lạng Giang), xe vận chuyển vật liệu tấp nập ra vào, hàng chục người khẩn trương trộn bê tông, dàn đều và đầm phẳng.

Thường xuyên có mặt tại công trình, ông Dương Ngọc Thức, 84 tuổi, người dân trong thôn chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi đi lại khó khăn vì đường hẹp, trơn trượt, lầy lội. Vì vậy, khi biết tỉnh sẽ hỗ trợ xi-măng, các hộ bàn nhau góp thêm tiền cứng hóa”. 6 gia đình trong ngõ đã họp lại, phân công rõ nhiệm vụ từng hộ và thống nhất bê tông hóa đến đâu hiến đất đến đó. Chi phí mua cát, sỏi, tiền công được chia đều. Bên cạnh đó, các hộ còn cử người cùng ban lãnh đạo thôn phối hợp giám sát, bảo đảm công trình có chất lượng tốt.

Với nỗ lực cao nhất, năm nay, xã Xương Lâm bê tông hóa 4 km các tuyến trục xã, thôn, khoảng 13 km ngõ xóm và nội đồng, giúp hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạng Giang cho thấy, năm nay, toàn huyện có 22/23 xã, thị trấn cải thiện hệ thống giao thông. Không chỉ hỗ trợ xi-măng theo nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện còn bố trí kinh phí giúp người dân vận chuyển đến công trình. Lạng Giang dành khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2017 để làm đường. Hiện toàn huyện đã cứng hóa hơn 70 km.

Dịp này, 23/24 xã, thị trấn thuộc huyện Tân Yên cũng đồng loạt ra quân cứng hóa GTNT, đến nay đã hoàn thành khoảng 70 km. Xuân này, người dân thôn Đồng Mai, xã An Dương phấn khởi khi tuyến đường chính dẫn vào thôn vừa được đổ bê tông, rộng từ 3,5 m đến 4,5 m. Vào thời điểm thu hoạch cây vụ đông, xe tải nhẹ và các phương tiện khác dễ dàng di chuyển.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng thôn Đồng Mai hồ hởi cho hay, để hoàn thành công trình này, 65 hộ đã hiến đất, góp công thực hiện. Ban lãnh đạo thôn vận động chủ các trang trại, đơn vị đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, con em địa phương thành đạt ủng hộ tiền và vật liệu... Thành công từ dự án đầu tiên, ban lãnh đạo thôn đang tiếp tục vận động cứng hóa gần 3 km nữa.

{keywords}

Đường bê tông thẳng, đẹp dẫn vào thôn Đồng Mai, xã An Dương (Tân Yên).

Bảo đảm chất lượng công trình

Nghị quyết số 07 ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh quy định, các thôn, bản, tổ dân phố, khu phố cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi-măng được hỗ trợ 100% xi-măng. Đối tượng khuyến khích là các thôn, xã, thị trấn có thành tích xuất sắc trong phong trào cứng hóa GTNT theo tiêu chí hướng dẫn của tỉnh; mức khuyến khích tối đa không quá 500 tấn xi-măng/xã, 200 tấn xi-măng/thôn. Tổng khối lượng hỗ trợ toàn tỉnh tối đa 500 nghìn tấn.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, năm qua, với cơ chế tự chủ, nhân dân làm đường, nhà nước hỗ trợ, cắt giảm triệt để chi phí trung gian đã khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư cho GTNT. Trọng tâm là cứng hóa đường trục thôn, liên thôn, nội đồng gắn với giao thông liên thôn theo tinh thần nghị quyết hỗ trợ xi-măng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Thực tế cho thấy, chủ trương này được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Dũng bố trí ngân sách huyện, xã hỗ trợ công vận chuyển xi-măng và một phần kinh phí mua cát, sỏi, hướng dẫn kỹ thuật… Được biết, năm 2017, ngân sách tỉnh bố trí hơn 83 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 89 nghìn tấn xi-măng và đến thời điểm này các địa phương đã làm xong khoảng 370 km đường.

Tuy vậy, chương trình cũng bộc lộ hạn chế như: Tại các huyện miền núi, chiều dài các tuyến giao thông tương đối lớn, mật độ dân cư thưa trong khi thu nhập của các hộ đa số ở mức thấp. Bởi vậy, việc huy động kinh phí đối ứng gặp khó khăn. Trong cùng một thời điểm, các huyện, xã đồng loạt làm đường khiến nhu cầu sử dụng xi-măng và một số loại vật liệu tăng đột biến, vượt quá khả năng cung ứng của nhà sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả chương trình, một số nơi có cách làm hay để tháo gỡ, khắc phục khó khăn. Ví như sử dụng một phần ngân sách hỗ trợ bà con hoặc khai thác, tận dụng cát, sỏi sẵn có trên địa bàn làm đường, giảm chi phí các hộ phải đóng góp. Xây dựng kế hoạch, quy định chi tiết thời gian triển khai, sản lượng xi-măng cần thiết cấp cho các xã, thôn, hoàn thành sớm thủ tục thanh toán với đơn vị cung ứng. Bên cạnh đó, quy mô, chất lượng công trình được Sở Giao thông - Vận tải, chính quyền và người dân giám sát, bảo đảm tiêu chuẩn quy định của UBND tỉnh.

Không chỉ chú trọng GTNT, việc phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông được quan tâm thực hiện. Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, Sở sẽ đề nghị UBND tỉnh, huyện bố trí kinh phí đẩy mạnh chương trình hỗ trợ xi-măng làm đường trong những năm tới nhằm kết nối đồng bộ từ GTNT đến quốc lộ. Các cấp chính quyền chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo trì, kịp thời khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Sở thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về kỹ thuật; lựa chọn đơn vị thi công đủ năng lực, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, chất lượng công trình.

Có dịp về các làng quê, rảo bước trên những tuyến đường mới trải dài, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con. Chính sách hỗ trợ xi-măng giúp cho phong trào cứng hóa GTNT lan tỏa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...