Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Phù hợp với đặc thù địa phương

Cập nhật: 08:59 ngày 16/01/2018
(BGĐT) - Sau khi “cán đích”, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai kế hoạch, giải pháp để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
{keywords}

Diện mạo nông thôn mới xã Tuấn Đạo (Sơn Động).

Điểm sáng Hồng Giang

Đến Hồng Giang - xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Lục Ngạn, nhiều người ấn tượng bởi vùng nông thôn sạch, đẹp. Phần lớn đường giao thông được bê tông hóa, trong đó nhiều tuyến trồng hoa hai bên và lắp đèn chiếu sáng. Chỉ về dãy hoa vừa trồng cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Thanh Bình (71 tuổi), thôn Kép 1 nói: “Từ khi trồng hoa bên đường, chiều nào chúng tôi cũng dành thời gian nhổ cỏ, chăm sóc. Trong không gian đẹp và mới ấy, tình trạng đổ rác thải bừa bãi, viết, vẽ quảng cáo trên tường cũng không còn”.

Ngay khi được công nhận đạt chuẩn (năm 2016), Đảng ủy, UBND xã Hồng Giang xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể đưa xã trở thành NTM kiểu mẫu. Từ đó tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến công, hiến đất mở rộng đường, tích cực tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa tại các trục đường, chỉnh trang nhà cửa. Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dù đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng địa phương vẫn còn một số hạn chế. Để quê hương ngày càng văn minh, đời sống người dân nâng cao, xã đã rà soát, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, nâng cấp các tiêu chí, xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu mang đặc trưng vùng cây ăn quả”.

Thực hiện chủ trương này, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi các vùng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn, cam Canh. Hiện toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó gần 60% là vải thiều, còn lại là cây có múi. Hồng Giang trở thành trung tâm sản xuất cây ăn quả của huyện Lục Ngạn. Hầu hết các hộ xây dựng mô hình nhà vườn tạo bản sắc kiến trúc nhà vườn riêng biệt. Đây là lợi thế không nhỏ của Hồng Giang để phát triển du lịch sinh thái vườn đồi. Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đời sống của bà con không ngừng nâng lên. Không ít gia đình có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng, thậm chí tiền tỷ mỗi năm. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm, tăng 27 triệu đồng so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,17%. Xã có gần 700 nhà vườn hiện đại, đủ tiêu chuẩn làm du lịch.

Củng cố, nâng chất lượng các tiêu chí

Thực tế, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, nhiều địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo nét đặc trưng riêng. Trong đó có rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch; phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp...

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, yếu tố then chốt góp phần làm nên thành công của Chương trình xây dựng NTM nói chung, nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới NTM tiên tiến, kiểu mẫu là đề ra các tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Dựa vào thế mạnh sẵn có, các xã lựa chọn, đề ra cách làm, bước đi phù hợp.

Để đẩy mạnh xây dựng NTM kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn cả về vật chất, tinh thần của người dân. Tại các địa phương, tùy đặc điểm, thế mạnh sẵn có, mỗi nơi lựa chọn một số sản phẩm đặc trưng để quảng bá, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như bánh chưng Hoàng Vân ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa). Hiện UBND huyện đã chỉ đạo Hợp tác xã  (HTX) Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (cùng huyện) liên kết với các hộ, phân phối sản phẩm này cho thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh với khối lượng khoảng 1 nghìn chiếc/tháng. HTX đang xúc tiến, phấn đấu đưa nhiều sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán tới.

Tương tự, khi nhắc đến xã NTM Tăng Tiến (Việt Yên), nhiều người nghĩ ngay đến sản phẩm nổi tiếng mây tre đan. Hay như mô hình đường hoa tại xã Hợp Thịnh, Lương Phong (Hiệp Hòa); mô hình trồng rau an toàn ở thôn Minh Sơn, xã Trung Sơn (Việt Yên); mật ong rừng Tuấn Đạo (Sơn Động)...

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Việt Yên, xây dựng NTM có nét đặc trưng riêng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân nâng cao, đồng thời tạo dấu ấn riêng của từng thôn, xã trong mắt bạn bè. Thời gian tới, huyện sẽ khảo sát, lập đề án xây dựng các thôn NTM với đặc thù riêng. Huyện có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm của từng địa bàn về vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...