Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hàng Việt vắng bóng ở chợ vùng cao

Cập nhật: 07:00 ngày 22/01/2018
(BGĐT) - Tại nhiều chợ phiên vùng cao, hàng Trung Quốc xuất hiện nhiều, lấn át hàng nội. Lo ngại hơn, hàng đặc sản địa phương ngày càng vắng bóng.
{keywords}

Đa số các mặt hàng tại chợ Vân Sơn (Sơn Động) có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Xuân Thỏa.

Tràn ngập hàng Trung Quốc

Đầu tháng 1, chúng tôi có mặt tại chợ phiên xã Vân Sơn (Sơn Động). Tại đây, có rất nhiều loại hàng hóa nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi đó, hiếm mới thấy vài mặt hàng mang thương hiệu Việt như: Quần áo Việt Tiến, bóng điện Rạng Đông.... Chị Đỗ Thị Phương, tiểu thương buôn bán ở chợ lâu năm quả quyết: “Ở đây, hàng Trung Quốc chiếm tới 60 - 70%, trong đó chủ yếu là hàng thông dụng như quần áo, giầy dép, hàng điện tử”. Nguyên nhân là do giá hàng sản xuất trong nước khá cao, trong khi đó đời sống bà con còn khó khăn, thường chọn mua loại rẻ, phù hợp với mức thu nhập thấp. Nắm bắt tâm lý đó, các tiểu thương chủ yếu nhập hàng Trung Quốc và một số hàng gia công giá thành thấp về bán.

Tương tự, có mặt tại một số chợ vùng cao của huyện Lục Ngạn như: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân..., chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Dạo quanh chợ phiên Tân Sơn sáng 3-1, những mặt hàng đầy màu sắc, bắt mắt có xuất xứ từ Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm của đồng bào vùng cao, nhất là quần áo, giày dép, chăn ấm. Giá cho mỗi bộ quần áo hay đôi dép không cao. Khi được hỏi tại sao không mua áo của các công ty trong nước, chị Nguyễn Thị Mỵ, thôn Chả, xã Phong Vân (Lục Ngạn) chia sẻ: “Tôi mua áo rét nhưng không biết hàng nào của Việt Nam. Cứ thấy rẻ, mẫu mã đẹp là mua, không biết chất lượng thế nào?".

Khảo sát tại chợ, chúng tôi thấy ít hàng hóa của địa phương, có chăng là vài mặt hàng nông sản mang tính tự cung tự cấp của bà con trong vùng. Tại một góc khuất của khu chợ, bà Ỏn cùng một số phụ nữ dân tộc Nùng cao tuổi đang khâu những chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình. Khi được hỏi, bà Ỏn cho biết, mỗi phiên chợ chỉ bán được từ 2 đến 3 chiếc mũ song vì yêu nghề nên vẫn duy trì gia công, bán mặt hàng truyền thống tại đây.

Tích cực đưa hàng Việt lên vùng cao

Với mục tiêu tất cả người dân đều được tiếp cận và dùng hàng Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, từ nhiều năm nay, ngành chuyên môn của tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp (DN) thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, Bắc Giang là một trong 34 tỉnh, TP có Ban chỉ đạo đến cấp huyện. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ đến trung tâm các huyện, chưa vươn tới các xã vùng sâu, vùng xa. Ngay tại thị trấn An Châu (Sơn Động), dù hội chợ đưa hàng Việt được tổ chức song chỉ có một vài thương hiệu may mặc trong nước như: Việt Tiến, May 10, Hà Nội Simex, Giày dép Bitis, Thượng Đình và hàng hóa của một số DN khác được bày bán ở các shop trung tâm thị trấn, còn trong chợ An Châu cơ bản hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Tiện, chủ đại lý hàng điện dân dụng tại đây cho biết, nồi cơm điện, loa đài, đầu kỹ thuật số của Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, giá rẻ nên bán chạy, riêng sản phẩm có thương hiệu Việt thì cả tháng mới bán được 1 đến 2 chiếc.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đều hỗ trợ miễn phí điện thắp sáng, quảng cáo, tuyên truyền... tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước đưa sản phẩm đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao. Tuy nhiên, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn chưa thường xuyên, lượng hàng hóa còn ít, khó phủ kín địa bàn. Tại huyện Lục Ngạn, trung bình mỗi năm, địa phương phối hợp tổ chức từ 2-3 hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Chũ, chưa vươn tới địa bàn khác. Bởi thực tế, dù nhận được nhiều cơ chế hỗ trợ song DN chưa không mặn mà tham gia bởi chi phí vận chuyển đến các điểm chợ của các xã vùng sâu, vùng xa cao. Mặt khác, do các chợ xuống cấp, chưa được đầu tư, quy hoạch nên rất khó thu hút các DN đầu tư mở đại lý bán hàng thương hiệu Việt. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Năm 2018, chúng tôi sẽ phối hợp với các DN chuyên kinh doanh hàng Việt đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu trung tâm mua sắm, khu dân cư, hội chợ thương mại về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Huyện sẽ phối hợp tổ chức các đợt bán hàng lưu động đưa hàng Việt về vùng cao, miền núi; tăng cường quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Vải thiều, mỳ Chũ, cam đường Canh... để từng bước phát triển sản phẩm địa phương, mở rộng kênh tiêu thụ đến với người tiêu dùng”.

Sơn Quang - Xuân Thỏa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...