Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vi phạm môi trường: Nhiều doanh nghiệp chậm khắc phục

Cập nhật: 09:57 ngày 25/01/2018
(BGĐT) - Mặc dù bị Chủ tịch UBND tỉnh và ngành chức năng xử phạt về hành vi xả nước, khí thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay trong tỉnh vẫn có một số doanh nghiệp (DN) chậm, thậm chí không khắc phục hậu quả.
{keywords}

Công trình xử lý nước thải của Công ty cổ phần Thép Việt Úc (Yên Dũng) chưa được xác nhận hoàn thành.

Chưa chấp hành nghiêm quy định

Trong thời gian dài, người dân thôn Già Khê Núi, xã Tiên Hưng (Lục Nam) phản ánh Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam, trụ sở cùng thôn chuyên sản xuất các sản phẩm từ nhựa plastic, bìa và giấy liên tục xả nước thải ra mương máng, ảnh hưởng đến sản xuất. Sau khi nắm bắt thông tin, tháng 10-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã kiểm tra hiện trường, phát hiện DN này có hàng loạt vi phạm.

Công ty xây dựng hệ thống xử lý nước thải không đúng kích thước, công nghệ so với quy định; vận hành thử nghiệm dự án nhà máy nhựa khi chưa hoàn thành công trình xử lý nước thải; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường và đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại. Với lỗi vi phạm trên, ngày 13-10-2017, Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt DN 560 triệu đồng, đình chỉ hoạt động trong ba tháng để khắc phục vi phạm. Thế nhưng chỉ “án binh bất động” trong thời gian ngắn, Công ty này lại tiếp tục sản xuất. Ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: "Sau khi có lệnh đình chỉ hơn một tháng, lực lượng chức năng của huyện, Sở TN&MT kiểm tra, phát hiện trong một số xưởng của DN này có hàng trăm công nhân vẫn làm việc bình thường". Trước vi phạm này, giữa tháng 12-2017, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục xử phạt Công ty 100 triệu đồng, buộc khẩn trương khắc phục vi phạm, báo cáo kết quả về Sở TN&MT, chính quyền sở tại xong trước ngày 20-12-2017 để kiểm tra, giám sát. Tuy vậy, đến nay Công ty vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục xử lý nước thải để được xác nhận hoàn thành.

Tương tự, Công ty cổ phần Thép Việt Úc, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) chuyên cho thuê nhà xưởng, sản xuất dây cáp điện tử, cáp điện công nghiệp bằng đồng, nhôm… cũng chậm khắc phục sự cố về môi trường. Cuối tháng 7 năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh phạt Công ty 150 triệu đồng do xả nước thải có thông số amoni vượt hơn 7 lần so với quy chuẩn và buộc khẩn trương hoàn thành công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài. Mới đây, đến  Công ty này, phóng viên chứng kiến công trình xử lý nước thải chưa hoàn thiện. DN mới lắp đặt một số đường ống đấu nối với bể lắng, bể lọc, còn lại một số cống dẫn nước vẫn còn dở dang. Như vậy, nước thải của DN và các đơn vị thuê nhà xưởng chưa được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải. Đáng lo ngại, năm ngoái, một phần diện tích lúa của người dân ngay sát Công ty này đã từng bị chết lụi do nước thải chảy ra luôn đục đỏ. Vì vậy, việc DN chậm hoàn thành công trình xử lý nước thải tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Sở TN&MT, năm ngoái, trong số 30 DN bị xử phạt với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng do xả thải gây ô nhiễm môi trường có 5 đơn vị chậm, chưa cải tạo, xây mới, lắp đặt thiết bị xử lý nước, khí thải đạt quy chuẩn.

Xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng, để các DN vi phạm chấp hành nghiêm việc khắc phục hậu quả về môi trường, cấp có thẩm quyền sau khi ban hành quyết định xử phạt cần giao cho đơn vị chức năng làm tốt công tác hậu kiểm theo định kỳ, tránh tình trạng chây ỳ không thực hiện hoặc chỉ làm nửa vời.

Các DN xả nước, khí thải không bảo đảm tiêu chuẩn nhưng chậm khắc phục vi phạm đã làm kéo dài tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Có đơn vị nộp phạt xong lại tiếp tục hoạt động, ngang nhiên xả thải. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ánh Thảo, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng). Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp cho rằng, hành vi này của các DN đã làm giảm hiệu lực răn đe của pháp luật, tạo tiền lệ xấu.

Trước thực trạng trên, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Hiện nay, Sở cử cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra rà soát những quyết định xử phạt, phối hợp với các huyện, TP tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu DN khẩn trương hoàn thành hệ thống công trình xử lý nước, khí thải theo quy định. Những cơ sở sản xuất từng gây ô nhiễm, bị xử phạt mà chây ỳ không khắc phục, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh xử phạt lần hai. Đồng thời lấy mẫu phân tích và công nhận cho các công ty hoàn thành xử lý ô nhiễm, chỉ cho phép hoạt động trở lại nếu đủ điều kiện”.

Được biết, trước lỗi vi phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam, UBND huyện Lục Nam đã giao Phòng TN&MT thường xuyên giám sát hoạt động của DN này. Đồng thời hướng dẫn Công ty điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện nghiêm việc đầu tư hệ thống công trình xử lý chất thải khi mở rộng nhà xưởng. Sau khi Công ty được phép hoạt động trở lại thì yêu cầu định kỳ báo cáo kết quả quan trắc môi trường theo quy định.

Cùng với các giải pháp trên, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về môi trường, tại một số hội nghị tổng kết của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: "Các ngành chức năng như Sở TN&MT, Công an tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu tỉnh xử phạt nghiêm các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh sẽ không thu hút đầu tư theo cách đánh đổi môi trường lấy kinh tế mà kiên quyết xử lý mạnh tay. Ngoài phạt hành chính, UBND tỉnh còn xem xét đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh nếu DN cố tình gây ô nhiễm môi trường nhiều lần mà không khắc phục".

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...