Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng cường quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, đất đai tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Cập nhật: 14:36 ngày 29/01/2018
(BGĐT) - Ngày 29-1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tổ chức giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2011-2016 tại UBND tỉnh. 
{keywords}

Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành làm việc với đoàn.

Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, giai đoạn 2011-2016, tỉnh duy trì 100% vốn Nhà nước tại 6 DN; thực hiện cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ đối với 2 DN gồm: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Giang, Công ty TNHH MTV Quản lý và Xây dựng đường bộ Bắc Giang. Các Công ty TNHH Lâm nghiệp: Mai Sơn, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định của Bộ Chính trị. Trong số 10 DN thuộc đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần có 3 đơn vị thực hiện thoái vốn bảo đảm đúng quy trình. 

Sau khi nghe báo cáo và căn cứ vào kết quả giám sát thực tế tại các DN, các đại biểu nêu rõ, sau cổ phần hóa, nhiều DN hoạt động chưa hiệu quả. Ông Ngô Quang Tuyên, thành viên đoàn giám sát cho rằng, trong số DN đã giám sát chỉ có 2 đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả sau cổ phần hóa. Các DN còn lại, tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí hoạt động không có lãi. Ví như Công ty cổ phần Dược phẩm (TP Bắc Giang), cổ tức bằng 0%; Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị; Công ty cổ phần Giống chăn nuôi, cổ tức đạt từ 1-2%. Hầu hết DN khi cổ phần hóa chưa có nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần với giá trị lớn mà chủ yếu bán cho cán bộ, công nhân viên. Tiến độ thoái vốn Nhà nước của DN chậm, việc định giá tài sản trong DN gặp nhiều khó khăn… 

Công tác quản lý vốn Nhà nước tại một số DN chưa chặt chẽ. Ví như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn (Lục Nam) hiện còn nợ ngân hàng 12 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ. Đơn vị này cũng không thể thu nợ từ hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, một số DN chưa làm tốt công tác quản lý đất đai, chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để xảy ra tình trạng lấn chiếm. 

Trước những vấn đề trên, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, tới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn DN quản lý, bảo tồn vốn Nhà nước; xử lý nghiêm người quản lý để mất vốn Nhà nước. Tỉnh bố trí cán bộ điều hành DN đủ năng lực; tiếp tục hướng dẫn các DN lâm nghiệp thiết lập hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích còn lại, tránh tranh chấp. Đồng chí kiến nghị T.Ư sớm hướng dẫn quy trình xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN; tổ chức định giá tài sản sát với thị trường; xử lý đất đai đối với DN trước khi cổ phần hóa…

Phát biểu tại đây, đồng chí Trần Văn Lâm khẳng định, giai đoạn vừa qua, việc quản lý sử dụng vốn, thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa DN trong tỉnh thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát DN để kịp thời chấn chỉnh vi phạm; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai của Nhà nước hiệu quả. Đồng thời đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước tại DN theo lộ trình, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Quan tâm đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, hoàn thiện cơ chế khoán dịch vụ đối với DN công ích, tăng khả năng tự chủ. Đồng chí ghi nhận những kiến nghị của tỉnh để báo cáo với Quốc hội.

                                                                  Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...