Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dồn điền đổi thửa: Khẩn trương giao ruộng trên thực địa

Cập nhật: 09:20 ngày 05/02/2018
(BGĐT) - Thời điểm này, các địa phương đang tất bật tháo gỡ vướng mắc trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), khẩn trương giao ruộng cho bà con kịp thời bước vào vụ mới. Cùng đó, nông dân phấn khởi khi nhận những ô thửa lớn với đường, mương bao quanh, tiện canh tác.
{keywords}

Chỉnh trang đồng ruộng tại thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng).

Khắc phục yếu tố bất lợi

Chúng tôi về thôn Trung Hòa, xã Mai Trung (Hiệp Hòa), địa bàn có diện tích DĐĐT lớn nhất so với các thôn trong tỉnh vào những ngày đầu tháng 2. Không quản giá rét, các thành viên tiểu ban DĐĐT của thôn đang tất bật đo, kiểm tra chính xác diện tích để giao ruộng cho người dân. Năm 2017, thôn dồn đổi hơn 176 ha. Dân cư đông với hơn một nghìn hộ, 3,5 nghìn nhân khẩu cộng với ruộng đất manh mún, phân tán là một trong những trở ngại cho công tác DĐĐT tại thôn. Xác định đây là nhiệm vụ khó song có ý nghĩa thiết thực nên từ tháng 8-2017, xã, thôn tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của dồn đổi ruộng; đồng thời giải đáp những thắc mắc, giải tỏa tâm lý lo ngại về ruộng xấu, ruộng đẹp; gần mương, xa đường của người dân. Ông Tạ Văn Tám, Trưởng thôn cho biết: “Mới đưa ra bàn, không ít người phản đối, nhất là những hộ có ruộng thuận canh tác. Chúng tôi đã kiên trì vận động tới từng hộ, từng người dân.  Sau đó bà con đồng tình ủng hộ, không còn băn khoăn”. Hiện nay, cả cánh đồng  rộng lớn của thôn đều được san gạt bằng phẳng với hơn 100 tuyến đường nội đồng; hơn 80 tuyến mương mới bao quanh các ô thửa. Sau dồn đổi, mỗi hộ còn bình quân 1-3 thửa. Bà Tạ Thị Chén, năm nay 75 tuổi phấn khởi: “Trước đây, nhà tôi có 4 sào mà có tới 9 mảnh. Riêng đi bón phân cho lúa cả buổi sáng vẫn chưa xong. Bây giờ chỉ còn một thửa, cả nhà đều mừng, việc cấy lúa, trồng màu sẽ nhanh hơn”.

Cũng là nơi có nhiều khó khăn khi thực hiện DĐĐT, thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng) đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục bất lợi về địa hình. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Phó trưởng thôn, thành viên tiểu ban DĐĐT của thôn, mọi việc người dân đều được bàn trên tinh thần công khai, dân chủ; khuyến khích người thân trong gia đình quy tụ về một vùng tập trung. Căn cứ vào thực tế, mỗi hộ đều được gắp 3 phiếu ở các xứ đồng, bảo đảm vừa có chân ruộng cấy lúa, vừa có đất trồng màu. Đến ngày 2-2, thôn giao hơn 70% ruộng trên thực địa cho người dân, dự kiến hoàn thành 100% trước ngày 10-2.

Tập trung giao ruộng, không để lỡ vụ xuân

Năm 2017, toàn tỉnh dồn đổi 3,5 nghìn ha đất canh tác ở hơn 80 thôn, tập trung tại các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, các thôn đã giao ruộng trên thực địa cho người dân được gần 3 nghìn ha, đạt hơn 85% kế hoạch.
Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường

Năm 2017, toàn tỉnh dồn đổi 3,5 nghìn ha đất canh tác ở hơn 80 thôn, tập trung tại các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, các thôn đã giao ruộng trên thực địa được gần 3 nghìn ha, đạt hơn 85% kế hoạch. Những nơi có tiến độ đạt cao thuộc huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng. Thực tế triển khai DĐĐT đa phần gặp khó. Đó là người dân vẫn nghi ngại, chưa tin tưởng làm theo; nhiều nơi ruộng đất bậc thang, chênh lệch điều kiện canh tác giữa các thửa lớn. Hơn nữa, chi phí làm đường, mương sau dồn đổi cao trong khi kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của người dân hạn chế khiến không ít thôn chưa mạnh dạn.

Kinh nghiệm tại địa bàn triển khai nhanh cho thấy, mấu chốt là làm sao để các hộ hiểu được dồn đổi ruộng mang lại lợi ích cho chính mình thì mới thành công. Cùng đó, phải giải quyết kịp thời những vướng mắc. Ví như thôn Cao Đồng, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) dồn đổi hơn 90 ha và đến nay đã giao hơn 80% tổng diện tích. Bí thư Chi bộ Vũ Trí Thắm nói: “Công tác ở thôn không khác gì “làm dâu trăm họ”. Thế nên khi triển khai DĐĐT chúng tôi luôn sâu sát, lắng nghe người dân”. Theo lời ông Thắm, ngay khi nhận được phản ánh về việc Trưởng thôn ưu ái người nhà, Tiểu ban DĐĐT thôn Cao Đồng họp, hội ý thống nhất thu diện tích màu gần nhà của người nhà Trưởng thôn giao cho người khác. Điều này đã ổn định lòng dân, tạo sự tin tưởng. Thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) dồn đổi hơn 20 ha đất canh tác, là nơi triển khai đầu tiên của xã nên cũng gặp lúng túng. Được sự trợ giúp của huyện, xã, thôn đã hoàn thành các khâu đo đạc; bốc thăm.

Thời vụ gieo trồng vụ chiêm xuân đang cận kề, rất gấp rút nên các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương giao ruộng cho bà con, không để tình trạng lỡ vụ. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Sản xuất vụ xuân có đóng góp quan trọng đối với sản lượng lương thực cả năm. Do đó, ngoài bàn giao ruộng, bảo đảm khung thời vụ, các huyện, TP cần tổ chức sản xuất, tăng hiệu quả sau dồn đổi bằng việc xây dựng các cánh đồng mẫu, liên kết bao tiêu sản phẩm”.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...