Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cận Tết, hàng nghìn xe chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh

Cập nhật: 08:32 ngày 07/02/2018
Lượng phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn những ngày qua tăng đột biến đã và đang gây ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh.
{keywords}

Xe chở nông sản đợi làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Thanh.

Tin liên quan {keywords}

Do thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nên số lượng xe chở hàng hóa nông sản, chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối... từ các tỉnh phía Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, ước tính mỗi ngày có hàng nghìn xe ùn ứ tại khu vực biên giới.

Anh Nguyễn Văn Phú, một lái xe cho biết, anh chở 22 tấn Thanh Long từ tỉnh Bình Thuận tới cửa khẩu Tân Thanh mất 48 tiếng. Đến đây, anh đã phải đợi ba ngày mà chưa bán được sang Trung Quốc. Chi phí cho mỗi ngày chờ đợi của anh mất hơn 2 triệu đồng.

Tết đã cận kề, nhưng 22 tấn Thanh Long của anh chưa biết bao giờ mới xuất được qua cửa khẩu. Rất có thể, anh sẽ phải đón Tết tại đây vì không tiêu thụ được hàng. "Mình chậm ở đây ít nhất là 7 ngày, có thể phải 10 ngày hoặc lâu hơn nữa. Mình phụ thuộc vào chủ hàng và phía bên Trung Quốc. Giờ mình phải đợi, lỡ qua Tết cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được", anh Nguyễn Văn Phú nói.

Còn anh Hồ Bá Hùng chở 19 tấn dưa hấu từ tỉnh Đắk Lắk ra Lạng Sơn đã phải chờ 5 ngày nay, khiến dưa hấu bị hỏng khoảng 6-7 tấn. Anh Hùng cho biết: "Khó khăn lắm chứ. Mình đi vay tiền ngân hàng, giờ xe đứng như này nên không có tiền trả ngân hàng. Hư, thối nhiều lắm. Xe này 19 tấn thì hư đến 6-7 tấn rồi". 

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Cảnh Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn ứ tại cửa khẩu là do các doanh nghiệp (DN) đối tác Trung Quốc chỉ mua khoảng hơn 200 xe mỗi ngày, trong khi có đến 700-800 xe dưa hấu và Thanh Long và nhãn chở từ các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên ra đây bán. Các loại quả này của bà con xuất khẩu sang Trung Quốc hầu hết không có hợp đồng trước, nên khi đưa sang bên kia biên giới, các DN Trung Quốc chỉ chọn mua những quả có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Cũng vì không có thỏa thuận trước, nên nhiều chủ hàng bị thương lái ép giá dẫn đến thua thiệt.

Để giảm thiệt hại cho bà con, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã phối hợp với Trung tâm Quản lý cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng liên tục có các cuộc làm việc với nhiều cơ quan chức năng cửa khẩu nước bạn để tăng lượng hàng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do lượng cung vượt quá cầu, nên cũng chỉ tháo gỡ được phần nào khó khăn cho các DN và bà con nông dân.

"Chúng tôi chỉ đạo anh em ở các tổ, đội thực hiện đúng giờ giấc, làm hết việc. Thời điểm phía Trung Quốc còn mở cửa thì chúng tôi còn làm thủ tục cho bà con. Phía bên nước bạn có ý kiến là mỗi ngày họ chỉ tiêu thụ được khoảng 200 xe nông sản. Bà con cô bác có hoa quả cần nắm bắt được tình hình này để có biện pháp đưa hàng sang cửa khẩu khác" - ông Phan Cảnh Thành cho biết.

Để bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự tại các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã huy động hàng trăm Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động và Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ trên các tuyến đường, hướng dẫn các chủ phương tiện xếp hàng thành từng tốp để tránh ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho các phương tiện có thể di chuyển đến cửa khẩu khi đối tác đồng ý mua hàng.

Trung tá Phương Thúc Định, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông số 1, Phòng CSGT, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Chúng tôi đang huy động tối đa quân số và phương tiện để sắp xếp xe một cách trật tự, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con được xuất khẩu hàng hóa. Với mật độ phương tiện dày đặc như vậy, đơn vị phải tiến hành điều tiết, phân luồng giao thông từ xa, thành lập nhiều chốt trên các tuyến quốc lộ, phân loại các phương tiện đi cửa khẩu và yêu cầu đỗ thành một hàng sát lề đường".

Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các địa phương trên cả nước xem xét điều chỉnh quy hoạch, sản lượng hàng hóa là nông sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Cùng đó, giãn thời gian thu hoạch, không nên dồn dập mang lên cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc kéo dài.

Theo Thành Trung - Văn Hiếu/VOV


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...