Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Bội thu từ cây vụ đông

Cập nhật: 07:00 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - Với sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cùng bản tính cần cù, năng động của người dân nên lần đầu tiên giá trị cây vụ đông 2017 của tỉnh Bắc Giang cán mốc hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Nông dân có mùa rau bội thu từ đồng ruộng. 
{keywords}

Thương nhân thu mua rau tại thôn Chùa, xã Thái Đào (Lạng Giang).

Hành, tỏi đạt giá kỷ lục

Bao năm trồng hành, tỏi nhưng vụ vừa qua người dân xã Bảo Đài (Lục Nam) bán được giá cao nhất. Đầu vụ, hành lá ở mức 40-50 nghìn đồng/kg tại ruộng. Tranh thủ đà giá cao, các hộ tập trung mở rộng diện tích, sau khoảng 30-35 ngày được lứa mới. Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Long Lanh chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 7 sào hành. Lứa đầu tiên có giá 47 nghìn đồng/kg, mỗi sào thu hơn 40 triệu đồng. Xô đi, bù lại bán được gần 30 nghìn đồng/kg, vụ này tôi lãi hơn 200 triệu đồng”. 

Vụ đông năm 2017, toàn tỉnh trồng hơn 23 nghìn ha cây vụ đông. Giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ha. Một số cây có giá trị kinh tế cao như: Hành, tỏi, hoa và cà chua...

Theo ông Dương Hữu Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Đài, vụ đông 2017, toàn xã có khoảng 50 hộ lãi hơn 100 triệu đồng/vụ từ trồng hành, cao nhất từ trước đến nay. Cùng đó, tỏi cũng được giá cao, nông dân bán 30 nghìn đồng/kg tại ruộng. Được biết, toàn huyện Lục Nam có hơn 200 ha tỏi, tăng gấp đôi so với năm trước. Diện tích này tập trung tại xã Đông Phú, giá trị thu nhập bình quân đạt 600 triệu đồng/ha.

Rau xanh vụ này cũng được giá, người dân có lãi lớn. Đậu cô ve, bắp cải, su hào lãi khoảng 8-10 triệu đồng/sào (tùy thời điểm). Hiện đang là lúc tập trung cao thu hoạch cây vụ đông để giải phóng đất gieo cấy lúa xuân song rau vẫn bán chạy. Ông Trần Kim Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) cho biết: “Năm nay, người trồng rau cần trong xã phấn khởi, không có tình trạng phải phá nhổ bỏ rau do quá lứa hay giá rẻ. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp, người dân thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/sào”.

Đột phá từ mô hình điểm

Được biết, vụ đông vừa qua mưa nhiều ở giai đoạn đầu vụ đã khiến một số cây ưa ấm không sản xuất kịp thời vụ. Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên đôn đốc các huyện, TP mở rộng cây ưa lạnh để bù đắp diện tích. Do vậy, toàn tỉnh gieo trồng hơn 23 nghìn ha cây trồng vụ đông, vượt kế hoạch đề ra. Giá trị cả vụ ước đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với năm ngoái và tăng 300 tỷ đồng so với kế hoạch. Đây là con số lần đầu tiên giá trị cây vụ đông có được. Một số cây trồng thu nhập đạt 600-800 triệu đồng/ha như: Ớt, hành, tỏi, hoa. 

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, tình hình kinh tế ổn định, đầu ra cho nông sản thuận lợi. Đặc biệt, với biện pháp chỉ đạo mới về lựa chọn mô hình điểm đã mang lại hiệu quả cao. Ví như, nông dân huyện Lục Nam trồng hơn 4 nghìn ha cây vụ đông, tăng 300 ha so với kế hoạch, giá trị bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn năm trước. Huyện đã chọn mô hình điểm, cánh đồng tập trung là hành, tỏi, rau ăn lá ưa lạnh và khoai tây. Trong đó nổi bật là cánh đồng trồng hành sớm xã Bảo Đài; hành, tỏi an toàn xã Đông Phú; đỗ leo xã Bảo Sơn; củ đậu Chu Điện; khoai tây Đông Phú... 

Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, truyền thống thâm canh rau màu của bà con trên địa bàn huyện có từ lâu đời song nhiều năm vẫn bán sản phẩm giá rẻ. Nguyên nhân chính vẫn là trồng và thu hoạch ồ ạt vào cùng một thời điểm. Rút kinh nghiệm, Phòng đã khuyến cáo người dân trồng vào vụ sớm, trong từng tổ sản xuất trồng lứa khác nhau để rải vụ, giá cao. Thế nên, giá bán tăng đáng kể, nhất là hành, tỏi, đỗ leo.

Khai thác điều kiện khí hậu, địa hình, huyện Hiệp Hòa tập trung phát triển rau cần, rau chế biến và đầu tư, hỗ trợ một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Riêng rau cần 140 ha tại xã Hoàng Lương cho giá trị bình quân 275 triệu đồng/ha; rau chế biến tại xã Mai Đình 212 triệu đồng/ha; trồng dưa lưới, rau xanh trong nhà màng; nấm, hoa công nghệ cao cho thu 300 triệu đồng/ha. Huyện Lạng Giang ưu tiên hỗ trợ sản xuất nấm ở xã Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh. Doanh thu toàn huyện từ nấm đạt hơn 45 tỷ đồng.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: “Vụ đông năm 2017, quan điểm của ngành trong chỉ đạo sản xuất là đặt mục tiêu hàng đầu về giá trị, không nặng về diện tích. Vì vậy, các địa phương đã căn cứ vào thực tế của từng nơi để lựa chọn mô hình điểm, phát huy thế mạnh. Đây là cách làm sẽ được Sở ưu tiên khuyến khích thực hiện ở những vụ tiếp theo”.  

Như vậy, chỉ đạo về sản xuất vụ đông đã có nhiều thay đổi. Cùng đó, cách làm, nếp nghĩ của nông dân cũng khác, ít chạy theo phong trào mà căn cứ vào thị trường để trồng trọt. Những điểm mới, sáng tạo đạt được cần tiếp tục duy trì nhằm tăng hiệu quả cây trồng ở những vụ sau.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...