Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hàng hóa “ba không" bày bán công khai

Cập nhật: 09:16 ngày 12/02/2018
(BGĐT) - Dịp này, bánh kẹo, giày dép, đồ gia dụng "ba không" (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng) được bày bán tràn lan tại nhiều chợ nông thôn, khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh Bắc Giang. Mua, sử dụng những sản phẩm này, không chỉ thiệt hại về kinh tế còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.
{keywords}

Mứt Tết, bánh kẹo không nguồn gốc, hạn sử dụng bày bán trên vỉa hè quốc lộ 37 đoạn qua KCN Đình Trám.

Tự do bày bán

Khoảng ba tháng gần đây, toàn tỉnh phát hiện, xử lý hơn 300 vụ kinh doanh hàng có dấu hiệu làm giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, ngày 23-1, Đội Quản lý thị trường Chống hàng giả - Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra, phát hiện ông Trần Văn Tiến, xã Tam Quang, huyện Vũ Thư (Thái Bình) vận chuyển 260 hộp tất trẻ em, 45 chiếc máy đánh trứng Philip có dấu hiệu làm giả. 

Cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện ông Phạm Trường Thi, xã Đình Xá, TP Phủ Lý (Hà Nam) kinh doanh gần 70 đôi dép giả nhãn hiệu và 620 lọ sơn móng tay không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, ngay từ cuối năm ngoái Chi cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018. Với việc kinh doanh hàng giả, ngoài xử phạt hành chính, Chi cục sẽ tịch thu, tiêu hủy để răn đe.

Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên tại các chợ: Sàn, xã Phương Sơn (Lục Nam); Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), Vôi, thị trấn Vôi (Lạng Giang) những ngày này nhiều loại bánh kẹo, mứt Tết không nhãn mác vẫn được bày bán la liệt. Tại mỗi quầy hàng có hàng chục loại bánh, kẹo, ô mai, mứt, hạt dưa, hướng dương, điều các loại được đóng trong túi bóng chừng 5-10 kg buộc túm hoặc để trần ở rổ nhựa không có vật dụng che đậy. Đáng lo ngại là hàng loạt túi đựng các loại hàng hóa này đều không có nhãn mác thông tin nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng.

Dịp này, nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa ở vùng nông thôn cũng bày bán những mặt hàng "ba không". Khi được hỏi về nguồn gốc hàng hóa, các chủ hàng đều né tránh hoặc trả lời cho có lệ. Chị Nguyễn Thị H, bán hàng tại chợ Vôi (Lạng Giang) lý giải, chè lam, kẹo lạc nhà chị tự làm, còn lại do người thân làm. Đây đều là món ăn gia truyền, năm nào cũng bán, có thương hiệu nên không cần phải dán nhãn mác. Còn các loại kẹo cân buộc túm trong túi bóng chị mua của người quen sản xuất ở Hà Nội. Tình trạng kinh doanh này còn xảy ra phổ biến ở một số KCN. Ngày 8-2, có mặt tại quốc lộ 37, đoạn qua KCN Đình Trám, phóng viên chứng kiến hàng chục quán bán bánh kẹo, mứt Tết ngay trên vỉa hè, lòng đường phục vụ nhu cầu của người lao động.

Cùng với bánh kẹo, thời điểm này, nhiều đồ gia dụng, quần áo, giày dép không nhãn mác, nhái nhãn hiệu cũng được nhiều người bày bán dọc vỉa hè ở các tuyến đường trên địa bàn các huyện: Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Tại KCN Đình Trám, các loại giày dép nhái nhãn hiệu nổi tiếng như “Nike” được chào bán với giá 200 nghìn đồng/đôi; quần áo gắn nhãn hiệu Fashion chỉ có giá chưa đến 100 nghìn đồng/chiếc trong khi những mặt hàng này được bán trong các cửa hàng kinh doanh chính hãng lên tới cả triệu đồng.

{keywords}

Đồ gia dụng không nhãn mác bày bán trên đường tỉnh 295B đoạn qua huyện Lạng Giang.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm

{keywords}

Không chỉ dịp Tết mà cả ngày thường, người tiêu dùng không nên mua thực phẩm, bánh kẹo không nhãn mác, gia tăng nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe”.


Ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế)

Dù lực lượng chức năng đã quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm song việc bày bán hàng có dấu hiệu làm giả, hàng kém chất lượng, không nhãn mác vẫn diễn ra phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lực lượng chức năng, chính quyền sở tại chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm soát thị trường. 

Có mặt tại KCN Đình Trám cả buổi chiều ngày 8-2, chứng kiến hàng hóa không tem nhãn bày bán tràn lan song chúng tôi không thấy lực lượng chức năng kiểm tra. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiềng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Việt Yên cho rằng do địa bàn rộng nên không thể lúc nào cũng kiểm tra được. Cùng đó, người kinh doanh vì lợi nhuận kinh tế trước mắt nên làm ăn "chụp giật". Ngoài nguyên nhân trên, hiện nhiều người dân ở vùng nông thôn nắm bắt thông tin về sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; một bộ phận "chuộng" hàng giá rẻ.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng chức năng, chính quyền sở tại cần nêu cao vai trò, trách nhiệm. Hơn nữa, theo quy định hiện nay, các chợ huyện, chợ xã thuộc quản lý của chính quyền sở tại vì vậy các địa phương cần tập trung kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng không nhãn mác, kém chất lượng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...