Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tái đàn chăn nuôi: Chú trọng con giống, sản xuất theo chuỗi

Cập nhật: 08:47 ngày 27/02/2018
(BGĐT) - Cuối năm qua, người chăn nuôi trong tỉnh Bắc Giang có nguồn thu nhập khá do gia súc, gia cầm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Thời điểm này, nông dân đang tập trung tái đàn. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả, các hộ chú trọng sản xuất theo địa chỉ, nâng cao chất lượng và phòng trừ dịch bệnh.
{keywords}

Gia đình anh Hoàng Văn Thành, thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương ( Yên Thế) vừa vào lứa  gà mới.

Chăn nuôi an toàn

Ngay sau Tết, nông dân huyện Yên Thế đã tích cực chăm sóc, tái đàn gia cầm, sản xuất vụ mới. Đợt này, toàn huyện vào đàn khoảng 1 triệu con, giống chủ lực gồm: Ri, ri lai, mía lai. Gia đình anh Hoàng Văn Thành, thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương (Yên Thế) nuôi gà thả vườn nhiều năm nay. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bán hơn 3 nghìn con với giá 60 nghìn đồng/kg, lãi hơn 50 triệu đồng. Sau khi bán lứa gà Tết, anh Thành vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, để trống chuồng nuôi 20 ngày sau đó thả lứa mới. Đợt này, anh nuôi hơn 1 nghìn con gà ri, mía lai. Anh Thành cho biết: “Tôi chọn mua con giống tại cơ sở ấp nở có uy tín, gà khoẻ mạnh, được nhỏ vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Dịp này, thời tiết có mưa xuân, ẩm nên phải thay đệm lót chuồng mới, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc gà để hạn chế tối đa dịch bệnh, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi bán”. 

Cũng như anh Thành, ngoài chú trọng lựa chọn con giống, chăm sóc theo quy trình an toàn, nhiều hộ dân trong huyện đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế, Công ty cổ phần Giang Sơn, Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) nuôi gà VietGAHP trong vụ mới. Sản phẩm được ký kết bao tiêu với giá bình quân 60-65 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Cách làm này giúp bà con bảo đảm đầu ra, không lo bị ép giá.

Ngay sau Tết Nguyên đán, các hộ dân ở huyện Lạng Giang cũng tập trung chăm sóc, tái đàn lợn. Tại các xã Tiên Lục, Tân Thanh, Tân Hưng, người dân không còn bỏ trống chuồng, đầu tư vào lứa lợn mới. Anh Đồng Xuân Nước, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục nói: "Giáp Tết, gia đình tôi bán gần 3 tấn lợn hơi với giá 36 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 15 triệu đồng. Thường vào mùa hè, thịt lợn tiêu thụ rất chậm, bởi vậy thời điểm này tôi chỉ mua 50 con lợn giống nuôi kế tiếp, giảm 15 con so với lứa trước”.

Các vùng nuôi thủy sản thâm canh trên địa bàn tỉnh cũng khá nhộn nhịp. Nông dân vệ sinh ao nuôi, chọn giống, chuẩn bị nguồn thức ăn cho vụ cá mới. Hầu hết các hộ áp dụng biện pháp chăm sóc VietGAHP, an toàn sinh học để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm. 

Không tái đàn ồ ạt

{keywords}
Hiện toàn tỉnh có 48 nghìn con trâu, 139 nghìn con bò, đàn lợn có khoảng 1 triệu con, gia cầm 16,5 triệu con. Các địa phương đang tiến hành chăm sóc, tái đàn và tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi”.

Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT).

Theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), sau Tết, giá con giống, vật nuôi thương phẩm tương đối ổn định, không có dịch bệnh. Đây là điều kiện tốt để người dân chuẩn bị tái đàn. Tuy nhiên thời gian này nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm nên các hộ không tái đàn ồ ạt, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung, giảm hiệu quả kinh tế. Chú trọng đầu tư chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết. Thời gian này ưu tiên cho tái đàn gia cầm, lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

Thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, lây lan, vì vậy bà con chú trọng công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. “Để các hộ tái đàn hiệu quả, Chi cục thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản tại các địa phương. Vừa qua, UBND tỉnh trích 1 tỷ đồng hỗ trợ mua vắc-xin, hoá chất phòng, chống bệnh”, ông Kiên cho biết.

Ở hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Trạm Thú y cùng đội ngũ khuyến nông xã thường xuyên cử cán bộ đến từng thôn, bản tiêm vắc-xin cho vật nuôi; vận động người dân hạn chế thả rông trâu, bò. Nhiều địa phương trích ngân sách hỗ trợ phòng bệnh. Hằng năm, huyện Yên Thế dành khoảng 1 tỷ đồng từ ngân sách cho phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, người chăn nuôi chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường quản lý, xử lý kịp thời đối tượng vận chuyển, kinh doanh giống gia súc, gia cầm không đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...