Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều doanh nghiệp cổ phần chậm thoái vốn nhà nước

Cập nhật: 09:07 ngày 01/03/2018
(BGĐT) - Nhằm tăng nguồn thu, bảo đảm cho kế hoạch đầu tư công trung hạn và thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch tổ chức thoái vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần song tiến độ thực hiện chậm.
{keywords}

Sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang- đơn vị thực hiện thoái vốn nhà nước.

Quá hạn vẫn chưa hoàn thành

Theo Sở Tài chính, hiện nay UBND tỉnh quản lý 22 DN có vốn nhà nước. Trong đó có 10 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại là các công ty cổ phần, vốn nhà nước thấp hơn mức trên. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đầu tháng 10-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần. Theo đó, đợt một từ tháng 10 đến hết tháng 12-2017, tỉnh yêu cầu 5 đơn vị có vốn góp nhà nước dưới 50% thoái toàn bộ vốn. Đó là các công ty cổ phần: Sách giáo khoa và Thiết bị trường học; Xuất nhập khẩu; Dược Bắc Giang; Xây dựng giao thông (TP Bắc Giang); cổ phần Hồng Thái (Việt Yên).

Đợt hai từ tháng 10-2017đến tháng 6-2018, ba công ty thực hiện thoái vốn. Cụ thể, các công ty cổ phần: Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hòa; Thuốc lá và Thực phẩm (TP Bắc Giang) hoàn thiện hồ sơ trong tháng 11-2017 trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước để đơn vị tư vấn thực hiện các bước tiếp theo. Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ thực hiện các bước thoái vốn trong tháng 1 năm nay.

Kế hoạch đặt ra nhưng hết năm 2017, tất cả các DN thoái vốn đợt 1 đều chậm tiến độ. Ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng Tài chính DN (Sở Tài chính) cho biết, trong 5 DN, đến nay mới có duy nhất Công ty cổ phần Xây dựng giao thông hoàn thiện hồ sơ xác định giá khởi điểm cổ phần gửi hội đồng thẩm định trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt giá trị phần vốn nhà nước. Tuy nhiên đây chỉ là tiền đề để thực hiện ba bước tiếp theo trong quá trình thoái vốn. Được biết, đơn vị này hiện có gần 4,8 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó vốn nhà nước góp gần 2 tỷ đồng, chiếm hơn 41%. Các DN còn lại đều đã thuê đơn vị tư vấn nhưng chưa hoàn thành bước một.

Thời điểm này, Công ty cổ phần Dược Bắc Giang đang kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017 làm căn cứ cho đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm cổ phần. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty, dự kiến hết tháng 3, DN hoàn thiện báo cáo tài chính và phấn đấu xác định xong phần vốn nhà nước vào tháng 4 năm nay để trình hội đồng thẩm định.

Công ty cổ phần Hồng Thái đang đối chiếu phần nợ phải thu, phải trả để hoàn thiện hồ sơ; Công ty cổ phần Sách giáo khoa và Thiết bị trường học đang hoàn thiện báo cáo tài chính năm 2017 để xác định phần vốn nhà nước. Tương tự, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hòa; Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm cũng chưa hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, chậm gần ba tháng so với quy định.

Khẩn trương thoái vốn, sắp xếp lại DN

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN tỉnh, các công ty chậm thoái vốn làm ảnh hưởng đến nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công và tiến độ sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN.

Theo ông Nguyễn Thế Đán, Phó Giám đốc Sở Tài chính, tiến độ thoái vốn chậm là do hiện nay phần vốn nhà nước tại các DN này thấp, phổ biến từ hơn 4% đến khoảng 30% do đó công tác phối hợp với người đại diện vốn nhà nước tại một số đơn vị gặp khó khăn. Có tình trạng DN ỷ lại việc xác định giá khởi điểm cổ phần vào cơ quan chức năng. Tại hai công ty cổ phần: Thuốc lá và Thực phẩm; Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hòa, người đại diện phần vốn nhà nước đã nghỉ chế độ từ tháng 10-2016, nay chưa có người thay nên quá trình đôn đốc, chỉ đạo gặp trở ngại. Riêng Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm, Sở Tài chính yêu cầu gửi báo cáo tài chính vào tháng 10 năm ngoái để đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm cổ phần nhưng sau hai lần đôn đốc nay “đâu vẫn đóng đấy”. Thậm chí có lãnh đạo DN “ngại” thoái vốn vì lo lắng có nhà đầu tư mới nắm giữ cổ phần, ảnh hưởng đến quyền lợi.

Tiến độ thoái vốn chậm còn do việc xác định giá trị vốn nhà nước khá phức tạp, mất nhiều thời gian bởi DN phải đối chiếu tài sản hiện có với công nợ trên sổ sách, chứng từ. Đồng thời phải tính toán giá trị công cụ, nhà xưởng, máy móc hiện có. Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng giao thông cho biết, để hoàn thiện hồ sơ xác định giá khởi điểm cổ phần, đơn vị phải đối chiếu hơn 80 khoản công nợ phải thu và phải trả, thế nhưng không phải trường hợp nào cũng thuận lợi. Một số chủ đầu tư cấp xã xây dựng công trình còn nợ tiền đã lâu, nhưng nay Chủ tịch UBND xã, kế toán đã nghỉ hoặc thay đổi nên mất nhiều ngày mới xác nhận xong một khoản nợ. Còn tại Công ty cổ phần Dược Bắc Giang, do tổ chức thẩm định giá trước khi kiểm toán tài chính nên thiếu cơ sở thực hiện.

Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 12 DN, trong đó 8 đơn vị thực hiện năm 2017, 2018, còn lại là các năm tiếp theo. Để hoàn thành kế hoạch này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính là cơ quan chủ trì tích cực phối hợp với một số ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các công ty, người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện thoái vốn. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp DN hoàn thiện hồ sơ xác định chính xác tài sản nhà nước tại DN tránh thất thoát, bảo đảm thoái vốn xong trong năm nay đối với 8 DN đang thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm DN chậm triển khai, sớm bổ sung người đại diện vốn nhà nước tại một số công ty, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...