Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Mùa trồng rừng năm 2018: Chọn giống rõ nguồn gốc

Cập nhật: 09:16 ngày 05/03/2018
(BGĐT) - Ngay sau Tết Nguyên đán, khi mưa xuân bắt đầu xuất hiện cũng là thời điểm nông dân bước vào mùa trồng rừng mới. Bằng kinh nghiệm đã có, đa số các hộ lựa chọn những giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao.
{keywords}

Cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn nông dân xã Tiền Phong (Yên Dũng) kỹ thuật trồng rừng.

Những ngày này, tại các huyện miền núi trong tỉnh, nông dân đang hăng hái trồng cây, gây rừng. Tại các vạt rừng của huyện Yên Thế, nhiều nông dân tranh thủ cơn mưa rào đêm 26-2 đã xuống giống cho vụ mới. Năm nay, gia đình ông Ngô Văn Dược (SN 1968), trú tại bản Núi Lim, xã Tam Tiến trồng mới 2 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 1 ha nhận trồng và chăm sóc của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế. Những ngày qua, thấy có mưa ẩm nên gia đình ông đã trồng hơn 1,5 ha keo. Anh Nguyễn Văn Nhật, Phụ trách Đội lâm nghiệp Tam Tiến (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế) nói: “Từ cuối năm 2017, chúng tôi đã rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng trồng năm nay, trên cơ sở đó chuẩn bị đủ giống để cung ứng cho các hộ dân. Từ đầu tháng 2, Đội cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con đào hố đúng kỹ thuật, bảo đảm cây trồng sống 100% và nghiệm thu sơ bộ hiện trường trồng rừng”.

Vài năm trở lại đây, mặc dù gặp khó khăn do khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cây giống, vật tư, phân bón biến động song nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, nỗ lực của người dân, phong trào trồng cây, trồng rừng phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao. Dịp này, tại một số xã thuộc huyện vùng cao Sơn Động như: An Lập, An Lạc, Dương Hưu, Quế Sơn, Chiên Sơn... người dân cũng tích cực trồng rừng. Năm nay, huyện đề ra mục tiêu trồng mới 3 nghìn ha, trong đó có 2,5 ha rừng tập trung, còn lại là phân tán. Các giống cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu gồm: Keo lai, bạch đàn, thông, lim xanh, dổi... Còn tại huyện Yên Dũng, địa phương được thụ hưởng dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, thay thế rừng nghèo kiệt, trữ lượng thấp, rừng bị cháy,... các cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn luôn có mặt tại các xã: Yên Lư, Tân Liễu, Tiền Phong và Nội Hoàng hướng dẫn bà con phát dọn thực bì, cuốc hố. Ông Doãn Văn Minh (SN 1968), trú tại thôn Bình An Trên, xã Tiền Phong cho biết: “Năm nay tôi nhận trồng, chăm sóc gần 40 ha rừng phòng hộ. Để bảo đảm tiến độ, từ tuần trước, tôi đã thuê 15 lao động phát dọn thực bì và cuốc hố, giữa tháng Tư sẽ hoàn thành trồng rừng, bảo đảm trong khung thời vụ”.

Đến nay, các cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp đã gieo ươm hơn 10 triệu cây giống các loại, chủ yếu là keo tai tượng, keo hom, keo hạt Úc; các loại bạch đàn giống mới cho năng suất cao như: PNCT3, UP72, UP99... bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu trong tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm này, toàn tỉnh phấn đấu trồng 6,5 nghìn ha rừng tập trung, trong đó 210 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; còn lại là rừng sản xuất; tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam. Đến cuối tháng 2, bà con đã trồng được gần 200 ha, chủ yếu là các giống: Keo lai, keo tai tượng, bạch đàn Úc… Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Năm nay, người trồng rừng quan tâm sử dụng các giống cây lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp cấy mô thay cho cây giâm hom. Mặc dù giá thành cao hơn song giống cấy mô có ưu điểm là sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, chu kỳ khai thác ngắn, hiệu quả cao hơn”.

Để giúp người dân lựa chọn giống cây có chất lượng tốt, lực lượng kiểm lâm yêu cầu từng cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn. Tại huyện Yên Dũng, cùng với tổ chức hội nghị tại tất cả các xã có diện tích trồng rừng thay thế theo dự án của tỉnh, cán bộ kiểm lâm còn giúp các hộ chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép; hướng dẫn cách trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Ở huyện Sơn Động, Hạt Kiểm lâm làm việc trực tiếp với các xã về công tác quản lý cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp, yêu cầu ký cam kết cung ứng ra thị trường giống bảo đảm chất lượng. Còn tại huyện Yên Thế, cùng với khuyến cáo người dân phá bỏ rừng bạch đàn kém chất lượng, Hạt Kiểm lâm huyện quy trách nhiệm với từng cán bộ phụ trách địa bàn nếu xảy ra tình trạng bà con mua phải giống không bảo đảm tại các cơ sở đã tổ chức ký cam kết. Chị Phạm Thị Hậu (SN 1979), thôn Hố Luồng, xã Tiến Thắng (Yên Thế) nói: “Giữa lúc đang loay hoay chưa biết chọn giống nào để trồng lại diện tích hơn 1,5 ha bạch đàn năng suất thấp, tôi được cán bộ kiểm lâm đến tận nhà tư vấn lựa chọn cây keo BV10. Qua tìm hiểu, đây là giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, có thể cho năng suất đạt từ 25-30 m3/ha/năm và sau 5 năm trồng là được thu hoạch”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...