Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nông dân bảo vệ môi trường: Làng sạch, đồng xanh

Cập nhật: 09:08 ngày 06/03/2018
(BGĐT) - Những năm qua, cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp hội nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Điều này đã góp phần để làng quê thêm sạch, đẹp, thiết thực hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
{keywords}

Nông dân xã Danh Thắng (Hiệp Hoà) thu gom rác trên tuyến đường tự quản.

Mỗi nơi một cách làm

Theo thông lệ cứ vào ngày chủ nhật cuối cùng trong tháng, hội viên nông dân thôn Ngọc Lĩnh, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) lại quét dọn, thu gom, phân loại rác thải tại gia đình và nơi công cộng. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp. Có được kết quả này là do cuối năm 2017, Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án “Xử lý chất thải trang trại vùng nông thôn BVMT xanh, sạch, đẹp”. Dự án xây dựng gần 1 km kênh mương cứng thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất; hỗ trợ bà con sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; thu gom xử lý, phân loại rác tại hộ. Ông Phạm Khả Mùi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn cho biết: “Thôn có hơn 100 hộ, hầu hết đều nuôi lợn, nhiều hộ nuôi tới cả trăm con/lứa nên lượng chất thải khá lớn. Thực hiện dự án, chi hội tuyên truyền, hướng dẫn hội viên áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn, lắp đặt đường ống dẫn nước thải ra đúng nơi quy định”. Chi hội phân công nhiệm vụ cho hội viên ở các tổ kiểm tra, theo dõi chéo, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nêu tên trên loa của thôn. Với cách làm trên, đến nay môi trường trong thôn được đánh giá tốt.

Trên các cánh đồng ở xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) thời gian gần đây giảm hẳn tình trạng người dân tùy tiện vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2015, Hội Nông xã thực hiện mô hình điểm “Thu gom thuốc bảo vệ thực vật” ở thôn Thanh Phác. Tại đây hình thành 4 hố chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại vị trí thuận lợi cho bà con bỏ vào sau khi sử dụng, hằng tuần hội viên thu gom và xử lý. Sau hai năm triển khai, nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân huyện đã nhân lên 27 mô hình tại các xã: Châu Minh, Hợp Thịnh, Xuân Cẩm, Đoan Bái và tiếp tục lan tỏa ở những xã còn lại trên địa bàn huyện.

Hiện nay toàn tỉnh xây dựng 53 mô điểm sử dụng chế phẩm sinh hoạt trong chăn nuôi và trồng trọt; 275  mô hình nông dân tự quản; hàng trăm mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Chi hội nông dân thu gom rác thải”, “Một hố rác, một cây xanh”, “Chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học”... Qua thực hiện các mô hình, ý thức của hội viên nông dân về BVMT nâng lên, bà con dần có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường.

{keywords}

Nông dân xã Bảo Đài (Lục Nam) thu nhặt vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định.

Nhân rộng phong trào

{keywords}

Theo đăng ký, từ nay đến cuối năm mỗi chi hội nông dân phấn đấu xây dựng hai mô hình BVMT. Các chi hội duy trì thường xuyên việc ra quân tổng VSMT, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp”.


Bà Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Các mô hình BVMT nông thôn do các cấp hội nông dân đảm nhận đóng góp quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông thôn; cải thiện môi trường, hình thành vùng sản xuất an toàn mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số mô hình bộc lộ bất cập, hạn chế. Đơn cử như ba năm trước, Chi hội Nông dân thôn Tân Tiến, xã Đông Phú (Lục Nam)đảm nhận vệ sinh tuyến đường của thôn. Ban đầu, Chi hội lên lịch 2 lần/tháng toàn bộ hội viên tổng vệ sinh quanh nhà, ngoài đường và khu vui chơi công cộng; thành lập tổ thu gom rác thải. Chị Nguyễn Thị Hộ, Chi hội trưởng nói: “Sau một thời gian hoạt động, hội viên thường xuyên đi làm ăn xa, chưa có kinh phí chi trả tiền công, mua công cụ cho người thu gom nên hoạt động tự quản không phát huy hiệu quả, vẫn còn tình trạng tồn lưu rác ở trong xóm”. Bên cạnh nỗ lực của các cấp hội nông dân trong công tác BVMT, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân chưa có ý thức, xả thải bừa bãi.

Theo bà Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động BVMT nông thôn, thời gian tới các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên. Căn cứ tình hình thực tế, mỗi địa phương lựa chọn cách làm phù hợp gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội tổ chức đánh giá, nhận xét dự án, mô hình đã thực hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nhân rộng hiệu quả. Được biết, trong tháng 5-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện mô hình điểm về vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn tại huyện Yên Dũng, Hiệp Hoà.

Đi đôi với giải pháp trên, các địa phương có nhiều mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm sinh học. Từ đó, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hội nông dân các cấp vận động nhân dân đóng góp kinh phí để chi trả cho tổ VSMT. Thời gian qua, xã Hồng Thái (Việt Yên) ngoài trả lương hằng tháng, mỗi người làm công tác VSMT được địa phương hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe. Sự quan tâm, sẻ chia khó khăn ấy đã động viên, khích lệ nhân viên VSMT gắn bó với công việc hơn. Đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả cần được các cấp hội nông dân trong tỉnh học tập.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...