Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếp lửa cho phong trào thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật: 22:05 ngày 16/03/2018
(BGĐT)-Có ý tưởng tốt, kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần khát khao, đam mê khởi nghiệp là con đường dẫn đến thành công. Đây là những nội dung được các vị khách mời chia sẻ trong buổi Tọa đàm "Thanh niên Bắc Giang với phong trào khởi nghiệp" do báo Bắc Giang điện tử tổ chức chiều 16-3. Xem video tại đây.


{keywords}

Đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang trao đổi với nhà báo Đỗ Thành Nam tại buổi tọa đàm.

Lan tỏa phong trào

Khách mời tham gia tọa đàm có đồng chí Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang; anh Trương Đình Tùng (SN 1992), Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hà Bắc PEARL, thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng (Lục Nam)- người đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang nuôi, cấy ghép trai nước ngọt lấy ngọc thành công; anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1990), chủ Cơ sở sản xuất rau mầm an toàn Xương Giang (TP Bắc Giang).

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngụy Văn Tuyên đã đánh giá khái quát một số kết quả bước đầu của phong trào. Năm 2016, Chính phủ chọn là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn tập trung tổ chức các hoạt động như tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ kết nối vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp... Tỉnh đoàn Bắc Giang cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước triển khai chương trình hỗ trợ đồng hành thanh niên khởi nghiệp sáng tạo.

Năm 2017, Tỉnh đoàn hướng tới việc tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, thông qua tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”, diễn đàn, tọa đàm “Thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp” để đoàn viên thanh niên được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo chính quyền, các chuyên gia, doanh nhân thành đạt. Qua đó nhằm tháo gỡ khó khăn, tư vấn, hỗ trợ thanh niên. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Đến nay, Tỉnh đoàn đã giải ngân cho 27 dự án của thanh niên, tổng số vốn hơn 2,4 tỷ đồng; tổ chức đoàn toàn tỉnh đang quản lý gần 267 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp hơn  9 nghìn  hộ vay. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm trở lên. 

Vạn sự khởi đầu nan 

Tại buổi tọa đàm, anh Trương Đình Tùng chia sẻ về mô hình nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc nước ngọt. Sau khi học xong Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị, anh về quê. Năm 2015, được người bạn thân giới thiệu mô hình nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc khá mới ở tỉnh Ninh Bình, anh Tùng về tận nơi tìm hiểu và học. 

{keywords}

Anh Trương Đình Tùng (người đầu tiên bên phải)  chia sẻ với các khách mời về  quá trình khởi nghiệp.

Hiện diện tích nuôi trai của anh khoảng 5 sào, số lượng hơn 10 nghìn con. Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị vật tư, bể nuôi dưỡng, bể nhả bùn; sau cấy trai chết nhiều, chưa tìm được mực nước phù hợp để nuôi dưỡng... Hiện nay, sau gần 2 năm tham gia mô hình, tỷ lệ trai sống, trai ngậm nhân đạt hơn 80%. Dự kiến, tới đây anh Tùng sẽ thu hoạch lứa trai đầu tiên, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng. "Việc tìm ra phương pháp nghiên cứu cấy, ghép thành công sẽ là một hướng đi có tiềm năng trong tương lai, mang lại một ngành nghề mới cho người dân nuôi trồng thủy sản", anh Tùng nói.

Đối với mô hình trồng rau mầm của anh Nguyễn Văn Tiến, cuối năm 2016, sau khi lập gia đình, anh có ý tưởng thiết kế một vườn rau riêng cho gia đình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng tới kinh doanh. Anh đi thăm quan mô hình ở nhiều nơi và cuối cùng tìm đến rau mầm. 

Tháng 3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Giang phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp”, anh tham gia ý tưởng “Trồng rau mầm sạch” và giành giải Nhì chung cuộc (lúc đó cuộc thi không trao giải Nhất). Tiếp đó, anh nghiên cứu sâu hơn về rau mầm, nhận thấy các ưu điểm nổi bật như: Không cần diện tích rộng, vốn đầu tư không quá lớn, thời gian sinh trưởng rau rất ngắn, dễ chăm sóc... Đây là sản phẩm mới, giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng cho mọi đối tượng. 

{keywords}

Mô hình  trồng rau mầm  của anh Nguyễn Văn Tiến  (ảnh tư liệu) 

Anh Tiến cũng chia sẻ khó khăn ban đầu như chưa nắm chắc kỹ thuật, rau hỏng nhiều; lượng tiêu thụ hạn chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, anh hoàn toàn chủ động về cách trồng rau mầm trên giá thể xơ dừa. Hiện sản phẩm rau mầm đã xuất hiện trong nhiều nhà hàng và hộ gia đình ở TP Bắc Giang và vùng lân cận. "Mỗi lần rau bị hỏng, tôi ghi chép lại cẩn thận, phân tích nguyên nhân, điều kiện môi trường, ánh sáng nên kinh nghiệm ngày càng được tích lũy. Do vậy, năng suất ngày một cao hơn", anh Tiến nói. 

Hằng tháng, doanh thu từ mô hình của anh Tiến đem lại khoảng 60-70 triệu đồng (tương ứng khoảng 720-840 triệu/năm). Sau khi chi trả các chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Tiếp lửa cho những ý tưởng mới

Dù phong trào bước đầu có sức lan tỏa song các ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng vẫn còn rào cản nhất định, như tư duy về nghề nghiệp, việc làm của thanh niên  còn hạn chế. Một bộ phận giới trẻ ngại khó, ngại khổ, chưa nỗ lực khởi nghiệp; tư tưởng an phận vẫn tồn tại trong nhiều thanh niên. 

Phần đông thanh niên muốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại thiếu vốn, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, hoạch định rủi ro… Trong khi đó, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là việc tiếp cận những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn cũng như nguồn lực xã hội để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn chưa nhiều.

Các khách mời cũng đưa ra những yếu tố đóng vai trò then chốt trong phong trào thanh niên khởi nghiệp. Đó là tinh thần khát khao, đam mê khởi nghiệp cùng với một ý tưởng tốt. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Ngụy Văn Tuyên, mỗi thanh niên cần phải có một ý tưởng khởi nghiệp khả thi xuất phát từ kiến thức, kinh nghiệm chứ không phải chỉ là viển vông, như vậy mới mang lại thành công. 

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Tiến trao đổi tại buổi tọa đàm. 

Về nội dung này, anh Trương Đình Tùng chia sẻ: "Khi có nhiệt huyết và niềm đam mê, kết hợp kiến thức hiểu biết để tiếp thêm sức mạnh giúp thanh niên dốc sức, bỏ chất xám, thời gian cho niềm đam mê ấy, cuối cùng ắt sẽ thành công".

Đề cập tới những giải pháp để phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, đồng chí Ngụy Văn Tuyên cho biết: Năm 2018, Tỉnh đoàn sẽ tham mưu thêm những cơ chế, chính sách cụ thể với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành chuyên môn có những hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ khâu xây dựng, hoàn thiện, triển khai ý tưởng vào thực tế, tiếp cận thị trường...

Thay mặt các bạn trẻ, anh Trương Đình Tùng và Nguyễn Văn Tiến mong muốn, Tỉnh đoàn Bắc Giang tích cực hỗ trợ, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình  khởi nghiệp có hiệu quả tới những thanh niên có cùng đam mê, chí hướng để  phát triển ngành nghề mới, có tiềm năng giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. 

Đặc biệt, Tỉnh đoàn quan tâm giúp thanh niên nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế từng vùng, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp... Mặt khác, chú trọng xây dựng và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên. Thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các mô hình ở trong và ngoài nước. 

Nhóm PV Báo điện tử

 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...