Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổng kiểm tra công trình thủy lợi: Phát hiện, xử lý kịp thời sự cố

Cập nhật: 11:18 ngày 20/03/2018
(BGĐT) - Nhằm chủ động ứng phó với mùa mưa bão, các địa phương, đơn vị đang tập trung tổng kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa được giao quản lý. Qua đó phát hiện, đưa ra các biện pháp xử lý đối với những công trình có nguy cơ mất an toàn.
{keywords}

Cán bộ, công nhân Công ty Bắc Sông Thương kiểm tra Trạm bơm Khám Lạng (Lục Nam).

Phát hiện nhiều điểm yếu

Thực hiện công văn của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tổng kiểm tra, đánh giá công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai trước lũ năm 2018, các địa phương tiến hành rà soát các công trình. Tại huyện Yên Dũng, qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn đánh giá, hệ thống đê trên địa bàn đều được đắp thủ công trên nền yếu. Một số điểm trên đê sông Lục Nam có cao độ chống tràn kém; đê sông Thương được đắp chủ yếu bằng đất thịt, mặt cắt nhỏ, độ dốc mái đê lớn, thường xuyên xảy ra sạt, trượt mái đê. Một số đoạn có nguy cơ mất an toàn như: Đê sông Thương, đoạn qua xã Đức Giang, Tiến Dũng; sông Cầu, đoạn qua xã Tiến Dũng, Tư Mại, Yên Lư.

Tại huyện Việt Yên cũng có nhiều công trình xảy ra sự cố khi có mưa bão. Ghi nhận tại Trạm bơm Trúc Núi, thôn Thần Chúc, xã Tiên Sơn cho thấy, hiện 4 máy bơm chỉ hoạt động đạt khoảng 60% công suất. Mỗi khi mưa lớn, trạm bơm không đủ khả năng bơm nước tiêu, dẫn đến ngập úng cục bộ tại một số khu vực. Còn tại đê sông Cầu, đoạn qua xã Tiên Sơn có cung sạt cách chân đê từ 15 đến 40 m. Theo lãnh đạo UBND xã Tiên Sơn, nguyên nhân do trước đây có tình trạng khai thác đất để làm gạch và hút cát nên dẫn đến hiện tượng sạt lở. Hiện nay, để đánh giá sát tình hình, tổ công tác của huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn kiểm tra cụ thể, chụp ảnh, phân tích để đưa ra những nhận định, có phương án xử lý.

Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương (Công ty Bắc Sông Thương), hiện đơn vị đang quản lý 31 hồ chứa, một đập dâng cùng gần 600 km kênh, 20 trạm bơm tưới, tiêu... Sau đợt tổng kiểm tra vừa qua, Công ty xác định có 10/31 hồ chứa đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp mới bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão như: Khe Cát, Khe Ráy, Ba Bãi, Cửa Cốc (Lục Nam); Khe Chão, Khe Đặng (Sơn Động), Làng Thum (Lục Ngạn)... Hầu hết các hồ đều bị rò rỉ nước, năng lực tích trữ nước chỉ còn khoảng 50%. 18/20 trạm bơm được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước với hệ số tiêu thấp, thiết bị cũ nát rất dễ xảy ra sự cố khi vận hành, không tiêu thoát nước kịp thời. Ngoài ra, do đi qua địa hình phức tạp, lòng kênh bị bồi lắng, mái kênh sạt lở, ảnh hưởng đến quá trình dẫn nước.

Quan tâm tu bổ, xây dựng phương án bảo vệ

Đến nay, dù chưa có thống kê chính thức song qua nắm bắt, Chi cục Thủy lợi đánh giá, hầu hết các hồ, đập trên địa bàn được xây dựng từ lâu, kết cấu cũng như thiết kế không còn phù hợp. Hàng chục đoạn đê địa phương và T.Ư nguy cơ xảy ra sự cố khi mưa lớn.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trước lũ có ý nghĩa quan trọng nhằm phát hiện, chủ động phương án xử lý các điểm, khu vực nguy cơ mất an toàn. Đến nay, dù chưa có thống kê chính thức song qua nắm bắt, Chi cục Thủy lợi đánh giá, hầu hết các hồ, đập trên địa bàn được xây dựng từ lâu, kết cấu cũng như thiết kế không còn phù hợp. Hàng chục đoạn đê địa phương và T.Ư có nguy cơ xảy ra sự cố. Anh Thân Thế Hưng, Trưởng Phòng Phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi) nói: “Trên cơ sở kết quả báo cáo, chúng tôi đề nghị địa phương bố trí kinh phí để sửa chữa, khắc phục ngay những sự cố nhỏ, thuộc trách nhiệm của mình. Đối với các công trình hư hỏng, tu sửa đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nằm ngoài khả năng cân đối nguồn vốn, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư”.

Thực tế, ngay sau khi kiểm tra, nhiều địa phương, đơn vị đã kịp thời bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình. Tại huyện Việt Yên, Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện bố trí hơn 300 triệu đồng nạo vét 200 m kênh thuộc thôn Thần Chúc (xã Tiên Sơn), dự kiến hoàn thành trong tháng 4. Cùng đó, đề nghị Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương dành kinh phí cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Trúc Núi.

Hay như Công ty Bắc Sông Thương, đầu tháng 3 vừa qua, phát hiện kênh Yên Lại đoạn qua xã Khám Lạng (Lục Nam) có nguy cơ bị vỡ, Công ty đã dành 250 triệu đồng để gia cố cọc tre ở chân kênh, đồng thời hoàn thiện mặt cắt kênh theo thiết kế ban đầu. Còn tại huyện Yên Dũng, địa phương bố trí kinh phí sửa chữa các tuyến đê bối tại xã Trí Yên, Tân Liễu, Thắng Cương và Đồng Phúc.

Nhận định của cơ quan chuyên môn, năm nay mưa bão tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Bởi vậy, ngoài tu bổ, cải tạo, các địa phương, công ty phụ trách quản lý công trình thủy lợi cần xây dựng phương án sát thực, xử lý các tình huống xấu để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...