Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Liên kết vẫn lỏng lẻo

Cập nhật: 09:17 ngày 22/03/2018
(BGĐT) - Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình cho hiệu quả vượt trội. Dù vậy đầu ra cho nông sản vẫn chưa ổn định, tiềm ẩn không ít rủi ro.
{keywords}

Dù đầu tư nhà màng hiện đại song các thành viên HTX Nông sản sạch Lục Nam, xã Bảo Đài (Lục Nam) vẫn chỉ trồng một số cây thông thường.

Bấp bênh đầu ra

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh xây dựng 21 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) với quy mô hơn 50 nghìn m2 nhà lưới, nhà màng. Một số mô hình đi vào sản xuất ổn định có hiệu quả, điển hình như: Sản xuất dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa), doanh thu đạt khoảng 2,7 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa cao cấp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Nam, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đạt gần một tỷ đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mô hình đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào các kênh tiêu thụ tự do mà không qua hợp đồng. Ví như, mô hình nhà màng CNC có diện tích hơn 2 nghìn m2 của hộ anh Ngô Văn Chức, thôn Gẵn, xã Đông Phú (Lục Nam) trồng cà chua, dưa chuột. Thời điểm này, cà chua vẫn đang cho thu hoạch, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 4. Tính ra, cả vụ đông xuân, anh Chức thu về khoảng 100 triệu đồng từ ứng dụng trồng rau trong nhà màng. Anh cho biết: “Là người đầu tiên áp dụng mô hình mới ở xã nên các kỹ thuật tôi chủ yếu tự mày mò. Không có hợp đồng bao tiêu, khi sản phẩm cho thu hoạch tôi chụp ảnh, sau đó đăng tải lên facebook, zalo cá nhân”.

Tương tự, mô hình trồng rau CNC của hộ chị Giáp Thị Thanh, thôn 8, xã Việt Tiến cũng chỉ có hợp đồng bao tiêu ở vụ đầu sản xuất. Chị chia sẻ: “Rau, màu được trồng trong nhà lưới phát triển khá tốt, năng suất cao hơn so với cách làm thông thường. Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Bởi lẽ, đa phần rau, củ, quả trong vụ vừa qua của nhà tôi đều bán tự do trên thị trường”. Hay như gia đình anh Nguyễn Thành Trung, thôn 8, xã Việt Tiến trồng su hào, dưa chuột trong nhà màng hơn 3 nghìn m2 đến nay cũng khó bán nông sản. Theo lời anh Trung, gia đình còn hơn một nghìn củ su hào không bán được. Thi thoảng có vài chủ bếp ăn tập thể đến lấy một lượng rất nhỏ về chế biến. Trong khi đó, su hào sắp quá lứa, nguy cơ thất thu cả lứa sau bao ngày dày công chăm sóc.

Nông dân phải làm giàu từ nông nghiệp CNC

Năm 2018, toàn tỉnh xây dựng 26 mô hình nông nghiệp CNC. Trong đó, huyện Tân Yên 5 mô hình; Lạng Giang 4 mô hình, còn lại là Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Các mô hình này chủ yếu trồng rau, hoa, dưa, quy mô từ 2.000-5.000 m2. Dự kiến, ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 300-400 triệu đồng/mô hình (ngoài phần kinh phí của huyện).

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT

Thực tế cho thấy, nhờ ứng dụng CNC đã giúp các mô hình giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường. Thế nhưng những lợi thế này lại chưa được khai thác tốt. Ngoài đầu ra nông sản bấp bênh, việc lựa chọn đối tượng cây trồng trong các mô hình nhà lưới, nhà màng chưa phù hợp. Đơn cử, trên diện tích nhà màng 3 nghìn m2 của HTX Nông sản sạch Lục Nam, thôn Chấu, xã Bảo Đài (Lục Nam), thành viên HTX vẫn chỉ trồng hành, su hào, cà chua thông thường. Qua đây cho thấy hàm lượng CNC ở mỗi mô hình chiếm tỷ lệ rất thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao hơn so với trồng ngoài ruộng đồng.

Lý giải về tình trạng này, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, CNC trong nông nghiệp khá mới mẻ đối với người dân Bắc Giang. Do đó, quá trình thực hiện không tránh khỏi lúng túng, hạn chế dù được các cấp, ngành, chính quyền cơ sở quan tâm. Hơn nữa, sản phẩm không đa dạng. Anh Nguyễn Thành Trung, thôn 8 nói: "Bếp ăn thường đổi món mà mình lại trồng một hoặc hai thứ rau, củ thì sản phẩm rất khó tiêu thụ ổn định vào những doanh nghiệp, nhà máy có bếp ăn tập thể".

Bên cạnh đó, công tác tổ chức sản xuất ở các mô hình nông nghiệp CNC chưa tốt. Kiểm tra tình hình sản xuất tại một số địa bàn vào giữa tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, ứng dụng CNC vào nông nghiệp phải đạt được mục tiêu nông dân làm giàu từ đồng ruộng. Để đạt được mục tiêu này trước hết đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương phối hợp hướng dẫn người dân lựa chọn đối tượng cây trồng tương xứng với hạ tầng đã đầu tư, tạo ra đột phá về giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Tiếp đến là quy hoạch vùng tập trung, có sản phẩm đủ lớn; xây dựng quy trình sản xuất, bảo đảm sự đồng đều của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, ổn định đầu ra cho nông sản. Quá trình tiêu thụ sản phẩm cần có sự giám sát của chính quyền sở tại, không thả nổi, đề phòng tình huống tranh mua, tranh bán.

Được biết, Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017-2020 quy định mô hình được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như: Quy mô tối thiểu 2 nghìn m2; sử dụng các giống rau và hoa có năng suất, chất lượng cao; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng (khung thép kiên cố, có hệ thống móng cột bê tông vững chắc); sản xuất theo hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ngân sách tỉnh, các huyện, TP đều có chính sách hỗ trợ mô hình nông nghiệp CNC và người dân cũng phải bỏ ra số tiền tương đối lớn để đầu tư công trình. Bởi thế, ngoài các giải pháp trên, một số ý kiến đề xuất phải có sự giám sát chặt chẽ, nhất là phải có đơn vị đủ tiềm lực liên kết, bao tiêu nông sản, bảo đảm các mô hình đi vào thực chất, tránh lãng phí nguồn lực xã hội; không để xảy ra tình trạng chỉ xây dựng nhà màng, nhà lưới rồi nhận hưởng lợi từ ngân sách nhà nước nhưng thực tế hợp đồng ký kết chỉ tồn tại trên giấy.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...