Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải bài toán cho xe quá khổ vận chuyển gỗ

Cập nhật: 10:23 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Với mục tiêu chấm dứt xe quá khổ, quá tải trong năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý hàng nghìn phương tiện vi phạm. Hoạt động này góp phần bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ đường song khiến việc vận chuyển gỗ rừng trồng gặp nhiều khó khăn. 
{keywords}

Xưởng chế biến gỗ tại xã Xuân Lương (Yên Thế) hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu gỗ

Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hiếu Vinh, thôn Đường Lội, xã An Lạc (Sơn Động) có xưởng chế biến gỗ khá lớn, sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại, khép kín từ băm dăm, tận dụng mùn cưa, vỏ gỗ, cành, ngọn để chế biến than sinh học. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, Công ty lâm vào tình trạng “đói” nguyên liệu, hoạt động cầm chừng.

Ông Đỗ Xuân Hiển, Giám đốc Công ty chia sẻ, mỗi ngày đơn vị có nhu cầu chế biến khoảng 250 tấn gỗ nhưng hôm nhiều nhất chỉ thu mua được vài chục tấn hàng nên lúc làm, lúc nghỉ. Trước đây, xưởng chủ yếu sản xuất trong giờ hành chính nhưng nhiều tháng nay phải chuyển sang làm đêm vì các xe đến giao hàng vào thời điểm từ 1 đến 3 giờ khiến người lao động doanh nghiệp phải thức trắng đêm nhập hàng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động, toàn huyện hiện có 15 xưởng chế biến dăm gỗ, nhu cầu sản xuất khoảng 150 nghìn tấn/năm. Hầu hết các xưởng đều chịu chung cảnh không có nguyên liệu sản xuất. Thậm chí, một số đã dừng hoạt động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên…

Tại huyện Yên Thế cũng xảy ra tình trạng tương tự, toàn huyện có hơn 10 cơ sở băm dăm, nhu cầu chế biến khoảng gần 100 nghìn tấn gỗ/năm. Dịp này, đa số các cơ sở không thể nhập nguyên liệu sản xuất đầu vào. Không có gỗ, nhiều xưởng buộc phải đóng cửa, số hoạt động cũng luôn trong tình trạng “ngóng” nguyên liệu. Ông Đặng Văn Tiếp, nhân viên xưởng băm dăm tại thôn Xuân Môi, xã Xuân Lương (Yên Thế) cho biết, mặc dù đã liên hệ nhiều nơi nhưng đơn vị vẫn không thể mua đủ gỗ. Do thiếu nguyên liệu, nhiều ngày nay người lao động đều đã tạm nghỉ, về quê.

Giải thích tình trạng này, đại diện các xưởng chế biến gỗ cho rằng, nguyên nhân do những tháng gần đây các lực lượng chức năng đẩy mạnh xử lý phương tiện vi phạm tải trọng, khổ giới hạn xe. Đã có một số lái xe, chủ phương tiện bị phạt nặng vì vận chuyển gỗ vi phạm nên không dám lưu thông. Anh Vi Văn T, xã An Bá (Sơn Động) cho biết, không như các vật liệu khác, gỗ phục vụ các xưởng băm dăm chủ yếu là ngọn cây, cành thừa được tận dụng để chế biến. Các đoạn có kích thước, độ dài, ngắn khác nhau nên dù không quá tải nhưng rất khó chấp hành khổ giới hạn xe, các phương tiện chủ yếu bị phạt lỗi quá khổ. Có những lái xe không chọn vận chuyển gỗ mà đổi sang loại hàng hóa khác, tránh bị xử lý. Số ít chờ đêm khuya, vắng người lưu thông để vận chuyển.

Chủ động khắc phục

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt gần 1,5 nghìn lượt phương tiện vi phạm lỗi chở hàng quá khổ, quá tải. Trong đó có 459 xe quá tải, 230 xe quá khổ, gần 800 xe tự ý cơi nới thành thùng và một số lỗi liên quan…

Không chỉ các cơ sở chế biến gỗ bị đình trệ sản xuất, thực trạng trên cũng khiến người trồng rừng "lao đao". Ông Hứa Văn D, xã An Bá (Sơn Động) cho hay, gần 1 tháng nay ông đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không lái xe nào nhận vận chuyển gỗ. Vì vậy, gia đình chưa thể thu hoạch, trồng lại hơn 2 ha keo đã đến tuổi khai thác. Ông D lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ không kịp trồng lại rừng trong năm nay.

Được biết, thời gian qua, thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe của Công an tỉnh, Công an các huyện, TP đã tích cực vào cuộc xử lý vi phạm, tạo chuyển biến trên các tuyến đường. Thượng tá Phan Thanh Hợp, Phó trưởng Công an huyện Yên Thế cho biết, Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông bố trí các tổ công tác khép kín địa bàn, bảo đảm xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã phát hiện, xử phạt 110 phương tiện quá khổ, quá tải; thu, nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng. Trong đó có nhiều xe vận chuyển gỗ rừng trồng tuy chấp hành tốt tải trọng xe nhưng thường vi phạm về chiều dài hàng hóa.

Trước thực trạng trên, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến gỗ, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động các giải pháp khắc phục. Trung tá Đinh Quang Hiệp, Trưởng Công an huyện Sơn Động khẳng định, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân chuyển sang sử dụng các xe ô tô thùng dài, trọng tải lớn hơn để vận chuyển gỗ, nghiêm chỉnh chấp hành trọng tải, khổ giới hạn phương tiện. Khi lưu thông, gỗ trên xe cần được cắt ngắn, bó gọn, chằng buộc cẩn thận, tuyệt đối không để rung, lắc, rơi ra đường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Thực tế triển khai cho thấy, chủ trương kiểm soát tải trọng xe là đúng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Do đó, người vận chuyển gỗ rừng trồng cũng cần có giải pháp chuyển đổi phương tiện hợp lý, giảm chiều dài hàng hóa vận chuyển trên xe... Đồng thời, tăng cường đàm phán, nâng cao giá thành sản phẩm, nâng mức giá vận chuyển gỗ để chủ phương tiện bảo đảm đủ chi phí; tuân thủ các quy định về khổ giới hạn, tải trọng xe.

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...