Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo vệ đàn vật nuôi khi thời tiết giao mùa: Tuân thủ nghiêm quy trình phòng bệnh

Cập nhật: 09:45 ngày 26/03/2018
(BGĐT) - Hiện nay, độ ẩm cao, nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh, lan rộng. Do đó, các hộ dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh.
{keywords}

Cán bộ thú y huyện Lạng Giang phun thuốc tiêu độc khử trùng tại chợ Vôi.

Theo ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời điểm này, bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng (LMLM) rất dễ bùng phát. Trong khi phần lớn người dân trong tỉnh vẫn chăn thả theo phương thức nhỏ lẻ, chưa có nhiều biện pháp phòng chống dịch. Trước tình hình trên, UBND tỉnh vừa bố trí 1 tỷ đồng giao Sở Nông nghiệp và PTNT mua một triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, 30 nghìn liều vắc-xin LMLM và hơn 600 lít hóa chất để hỗ trợ các hộ dân tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng.

Ghi nhận tại huyện Yên Thế, cùng với chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngay khi chuẩn bị vào thời điểm giao mùa, người chăn nuôi đã chủ động phòng bệnh cúm bằng các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng; tiêm vắc-xin cho vật nuôi. Gia đình chị Phạm Thị Luyến, thôn Đồng Nhân, xã Phồn Xương có hàng chục năm nuôi gà. Bình quân, chị vào đàn khoảng 3 nghìn con/lứa. Năm nào cũng vậy, chuẩn bị thời điểm giao mùa, gia đình chị lại dọn chuồng và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. “Thấy trời nồm, mưa nhiều, nửa tháng trước tôi đã mua vắc-xin về tiêm và thay đệm lót nền chuồng. Nhờ vậy đàn gia cầm luôn khỏe mạnh”, chị Luyến chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Thế, tổng đàn gà trên địa bàn huyện hơn 4 triệu con. Đây là vật nuôi chủ lực, nguồn thu nhập chính của người dân nên công tác bảo vệ đàn vật nuôi được chú trọng. Huyện vừa trích 500 triệu đồng mua hoá chất, vắc-xin hỗ trợ các xã, thị trấn. Trạm Thú y huyện chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở duy trì chế độ báo cáo từ thôn đến xã vào cuối buổi chiều hằng ngày. Đến nay, 21 xã, thị trấn trong huyện có tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80%, cao nhất tỉnh.

{keywords}

Để người chăn nuôi trong tỉnh ổn định sản xuất, từ nay đến cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Nội dung hỗ trợ gồm: Hóa chất tiêu độc khử trùng, vắc-xin cúm và LMLM".


Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Đợt này, UBND TP Bắc Giang cũng trích kinh phí mua gần một tấn vôi bột cấp phát tiêu độc khử trùng tại các xã, phường. Gia đình anh Hoàng Văn Quang, thôn Đồi Nên, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) chăn nuôi quy mô không lớn, khoảng 100 con gia cầm, 20 con lợn nhưng anh luôn vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi. Hằng năm, cứ nửa tháng đến một tháng, anh Quang lại rắc vôi bột quanh chuồng và chủ động mua thuốc tiêm phòng cho vật nuôi từ 2-3 lần/năm. Trong thôn nhiều hộ dù chỉ nuôi vài con cũng bảo nhau mua vôi ải về rắc ở quanh chuồng nuôi nhốt.

Cùng đó, các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên... hỗ trợ người dân mua vắc-xin, vôi bột, hóa chất. Đến thời điểm này, 9 huyện, TP đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt một (vụ xuân hè) và hoàn tất vào tháng 5. Thông thường, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít thường bỏ qua khâu tiêm phòng. Do vậy, để tỷ lệ tiêm phòng đạt cao, năm nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ vắc-xin tai xanh đối với đàn lợn nái, đực giống cho hộ có quy mô dưới 10 con. Hộ chăn nuôi gia cầm dưới 200 con được phát vắc-xin phòng cúm. Bệnh LMLM ưu tiên cho vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao và gia đình nuôi dưới 10 con.

Đại diện Chi cục Thú y khuyến cáo, hiện mặc dù chưa có tình trạng gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, phát sinh thành dịch song nguy cơ vẫn rất cao. Do đó, cùng với các biện pháp trên, Chi cục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, lưu thông động vật tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là cao tốc Bắc Giang- Hà Nội. Giải pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu động vật, hạn chế nguồn bệnh từ nơi khác xâm nhập vào địa bàn.

Các huyện, TP chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công tác tiêm phòng; kiểm tra chất lượng thuốc thú y, bảo đảm sản phẩm chất lượng cung ứng đến bà con. Một giải pháp quan trọng nữa là người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, không trông chờ ỷ lại vào nguồn hỗ trợ mà nên lựa chọn con giống, chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học. Chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, sức khỏe của vật nuôi để kịp thời phòng trừ bệnh, dịch; đồng thời báo cơ quan chức năng khi có dịch xảy ra.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...