Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rõ trách nhiệm, rừng được bảo vệ

Cập nhật: 09:43 ngày 29/03/2018
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 249 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, cấp ủy, chính quyền các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nhiều biện pháp giữ rừng. Qua thực hiện Nghị quyết đã hạn chế các vụ vi phạm, rừng tự nhiên được bảo vệ.
{keywords}

Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử tuần tra, giữ rừng.

Gắn trách nhiệm lãnh đạo xã với rừng

Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn (khoảng 7,7 nghìn ha), xã An Lạc (Sơn Động) luôn được coi là một trong những điểm “nóng” về tình trạng phát, phá rừng tự nhiên nghèo kiệt chuyển đổi sang rừng trồng. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn xã xảy ra hơn 40 vụ vi phạm làm thiệt hại hàng chục ha rừng. Xảy ra tình trạng trên, ngoài lợi ích từ trồng rừng kinh tế mang lại, việc buông lỏng quản lý của địa phương cũng là một nguyên nhân. Ngay sau khi có Nghị quyết 249, cùng với kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về quản lý, bảo vệ rừng (BVR). 

Cụ thể hóa nghị quyết, từng đồng chí cấp ủy viên tăng cường bám cơ sở và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng phát, phá rừng tự nhiên trên địa bàn phụ trách. Với vai trò người đứng đầu, Chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách Tổ BVR, duy trì các ca trực khép kín, bảo đảm 24/24 giờ. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, lãnh đạo xã trực tiếp gặp gỡ, ngăn chặn vụ việc ngay từ đầu. Ba tháng đầu năm nay, Tổ BVR của xã đã ngăn chặn được ba vụ có dấu hiệu vén rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, toàn xã không xảy ra vụ vi phạm nào.

Nghị quyết 249 của BTV Tỉnh ủy nêu rõ, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã và Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra chặt phá, cháy rừng trên địa bàn. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, ngay khi có kế hoạch thực hiện Nghị quyết, các địa phương có rừng tự nhiên chủ động đề ra giải pháp cụ thể hóa. Tại huyện Lục Ngạn, các xã tổ chức cho người dân ký cam kết BVR. Tính đến hết ngày 26-3, toàn huyện có gần 1 nghìn tập thể, cá nhân ký cam kết, tập trung vào các nội dung: Không đốt, phá rừng; không chuyển đổi rừng tự nhiên trái pháp luật. Ở những xã có nhiều rừng như: Phong Minh, Sa Lý, Phong Vân, Đèo Gia, chính quyền địa phương thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ...

Tại Lục Nam, Chủ tịch UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp BVR, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, phá rừng. Đến nay 100% xã có rừng tự nhiên xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 249, trong đó nêu bật vai trò của người đứng đầu. Đồng chí Lưu Văn Báo, Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh chia sẻ: “Dù diện tích rừng tự nhiên của xã không còn nhiều (khoảng 184 ha), lại nằm rải rác ở hầu hết các thôn nên nguy cơ bị kẻ xấu phá rừng luôn hiện hữu. Vì vậy, bản thân tôi và đồng chí Chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách điểm có nguy cơ cao tại các thôn: Găng, Ao Sen và Đồng Quần”.

{keywords}

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam cùng cán bộ lâm nghiệp xã Vô Tranh kiểm tra khu vực rừng dẻ trên địa bàn.

Không để rừng bị xâm hại

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 23 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với khối lượng gỗ vi phạm 40,467 m3, giảm 39 vụ (63%) so với cùng kỳ.

Mặc dù công tác quản lý, BVR có chuyển biến tích cực nhưng đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguy cơ xâm hại rừng vẫn hiện hữu. Nguyên nhân một phần vì đời sống người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, lực lượng kiểm lâm cùng lúc không thể “phủ sóng” tất cả các khu vực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, việc kiểm tra ở các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại còn hạn chế... “Với trách nhiệm được giao, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu toàn lực lượng hướng mạnh về cơ sở, kịp thời đưa chủ trương của BTV Tỉnh ủy tới người dân, giúp chính quyền xã xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn, giám sát các chủ rừng; vận động cộng đồng thực hiện nghiêm pháp luật, quy ước bảo vệ, phát triển rừng”, ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nói.

Ghi nhận tại huyện Sơn Động, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện ký quy chế phối hợp với tất cả các xã có rừng phòng hộ duy trì, củng cố các chốt bảo vệ ngay trong rừng để thuận tiện cho kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi xâm hại rừng. Cùng đó, từ tháng 3, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường hai đồng chí Phó Hạt trưởng xuống các Trạm kiểm lâm địa bàn. Thời điểm này người dân đang trồng rừng nên nhu cầu về đất rừng rất lớn, nguy cơ xâm hại rừng tăng. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu từng đồng chí lãnh đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nắm tình hình để chỉ đạo lực lượng ngăn chặn vụ việc ngay từ đầu, không để xảy ra các vụ việc xâm hại đến rừng.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...