Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó xóa bỏ lò đốt rác thủ công

Cập nhật: 09:08 ngày 11/04/2018
(BGĐT) - Quyết định số 2151 ngày 29-6-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ, không phát triển lò đốt rác quy mô nhỏ trên địa bàn nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) thứ phát. Mặc dù các địa phương đã có những giải pháp khắc phục nhưng vẫn còn vướng mắc.
{keywords}

Đốt rác tại lò thủ công ở thôn Chủa, xã Tuấn Đạo (Sơn Động).

Vẫn tiếp tục xây mới

Toàn tỉnh có hàng nghìn lò đốt rác thải hộ gia đình và lò xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tập trung chủ yếu ở các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa, Sơn Động và Yên Thế. Sau thời gian phát triển, mô hình này giúp người dân xử lý rác tại chỗ, khắc phục tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường. Tuy nhiên, nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy, lò đốt rác hoạt động đã gây ÔNMT thứ phát do không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Trước vấn đề này, tháng 6-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện Quyết định số 2151 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc không phát triển lò đốt rác thủ công.

Tìm hiểu tại Lạng Giang, huyện chỉ đạo các xã dừng hỗ trợ, không phát triển loại lò đốt rác thủ công. Thay vào đó, địa phương khuyến khích thực hiện thu gom, phân loại rác để xử lý tập trung. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Huy, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện, do lượng rác thải sinh hoạt nhiều, trong khi bãi rác, lò xử lý tập trung còn thiếu nên người dân vẫn sử dụng lò gia đình, thậm chí nhiều hộ còn xây mới. Ví như tại xã Nghĩa Hưng, từ đầu năm 2013, xã tập trung thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới. Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình được lựa chọn. Lò thiết kế đơn giản, đế và thân hình trụ khum, cao khoảng 1 m, xây bằng gạch, xi-măng và thanh sắt nhỏ, có cửa để đưa rác vào đốt, chi phí khoảng 300-500 nghìn đồng/lò.

Để khuyến khích người dân, từ năm 2014 đến tháng 6-2017, UBND xã hỗ trợ 200 nghìn đồng/lò. Đến nay, toàn xã có hơn 400 lò. Dù biết thông tin về tác hại của lò đốt này nhưng để giải quyết việc thu gom, xử lý rác trước mắt, nhiều hộ vẫn tự xây mới. Đơn cử như lò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến, thôn 3 xây dựng cuối năm 2017. Cứ 2-3 ngày, gia đình thu gom rác thải (trừ đồ thủy tinh) để đốt. Quan sát chúng tôi thấy, lò nhỏ và ống khói thấp nên khi vận hành có nhiều khói tỏa ra gần mặt đất. “Một số loại nhựa, túi ni-lông khó tiêu hủy, đốt có mùi khét nồng nặc. Để cháy kiệt, tôi đổ thêm ít xăng hay dầu vào lò”, ông Tuyến nói. Ở thôn 3, hiện có hơn 60 lò thủ công do người dân tự xây đang hoạt động.

Tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), nhiều năm qua, mô hình “Mỗi gia đình một lò đốt rác thải” được thực hiện khá phổ biến. Xã hiện có gần 1 nghìn lò, từ năm 2017 đến nay xây mới hơn 300 lò. Thiết kế lò xử lý rác thải quy mô hộ đều nhỏ, thấp; không có ống khói, mỗi lần đốt khoảng 50-100 kg rác các loại.

Khuyến khích thu gom, xử lý tập trung

{keywords}

Lò đốt rác thủ công có nhiều tác hại do trước khi đưa vào xử lý, người dân chưa phân loại. Nhiều loại rác chứa kim loại nặng, thủy ngân, chất dẻo khi đốt sẽ sinh ra chất dioxin. Lò hoạt động với công suất nhỏ, nhiệt độ không bảo đảm, đốt chưa triệt để sinh ra lượng tro xỉ lớn kèm theo chất độc hại”.


Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT).

Theo Quyết định số 2151, các địa phương không được hỗ trợ, phát triển lò đốt quy mô gia đình và xử lý bao bì thuốc BVTV bằng lò đốt loại nhỏ ngoài đồng. Thay vào đó, xã, thôn thành lập tổ, đội vệ sinh chuyên trách ở các thôn, bản làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác đến nơi xử lý tập trung đúng quy hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), sau gần một năm thực hiện Quyết định số 2151 vẫn chưa hạn chế được việc người dân sử dụng và phát triển lò đốt rác thủ công. Các lò loại này đều không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật bởi công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ, nhiệt độ đốt rất thấp, không vận hành liên tục nên sẽ thải ra khí độc dioxin khi sử dụng. Nguyên nhân do hầu hết các địa phương chưa có khu xử lý rác thải tập trung.

Bên cạnh đó, một số nơi đã đầu tư xây lò xử lý rác tập trung nhưng lượng rác quá tải. Ví như cuối năm 2017, huyện Sơn Động trích hơn 2 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp xây lò đốt rác thải tập trung ở thôn Mỏ, xã An Châu, công suất 400 kg rác/giờ. Tuy nhiên lò đi vào hoạt động cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Để từng bước khắc phục tình trạng phát sinh các lò đốt rác quy mô hộ gia đình và lò chứa, đốt vỏ thuốc BVTV theo đúng Quyết định số 2151, Sở TN&MT phối hợp cùng cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đó nêu rõ, tỉnh không đầu tư các lò đốt rác công suất nhỏ; có lộ trình thu hút đầu tư ba nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô công nghiệp.

Các địa phương thành lập thêm tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải vận chuyển về nơi xử lý tập trung. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không xây mới lò công suất dưới 300 kg/giờ. Sở cũng khuyến cáo, đối với những lò đã xây, trước mắt chưa phá bỏ nhưng khi vận hành chỉ sử dụng đối với lá cây, rơm, rạ khô. Riêng túi ni-lông, nhựa dẻo, vỏ thuốc BVTV đưa đến bãi rác tập trung để xử lý, tuyệt đối không đốt tại lò.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...