Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu

Cập nhật: 14:52 ngày 23/04/2018
(BGĐT) - Sáng 23-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng điều hành hội nghị. 
{keywords}

Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong cả nước... Dự  điểm cầu Bắc Giang có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND huyện, TP.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN tập trung trao đổi, đánh giá kết quả xuất nhập khẩu năm 2017, nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, xuất khẩu. Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thống nhất, hiệu quả trong năm 2018.

Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Tuy có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng tỷ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu); xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018 được cho là có nhiều cơ hội đối với xuất khẩu của Việt Nam do tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan. Mục tiêu tổng quát năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 15-20% so với năm 2017.

Đối với tỉnh Bắc Giang, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đạt hơn 120 triệu USD, trong đó vải thiều là chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 90 triệu USD, còn lại là mỳ Chũ, lạc, tinh bột sắn, rau củ đóng hộp, lợn... 

Dự báo trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản của tỉnh giữ ổn định và tăng trưởng nhẹ. Tỉnh xác định một số khó khăn chủ yếu đối với một vài mặt hàng nông sản khi xuất khẩu, trong đó có vải thiều, như sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn; phần lớn sản phẩm xuất khẩu tiểu ngạch. Việc tiếp cận các thị trường mới, khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai còn hạn chế bởi những hàng rào kỹ thuật, quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, chiếu xạ, kiểm dịch, tem nhãn truy xuất nguồn gốc…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nhóm giải pháp trọng tâm các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN cần tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới như: Thay đổi tư duy chiến lược, mau lẹ, hợp tác liên kết cùng phát triển. Chủ động và tự chủ trong hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu; chú trọng thị trường mới, tiềm năng. Phát huy lợi thế sản phẩm, số lượng phải đi đôi với chất lượng, bảo đảm cân đối xuất khẩu. Xuất khẩu cần có chiến lược toàn diện không chắp vá. Phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán, các thủ tục hải quan, phí, lệ phí... để DN có thể cạnh tranh, phát triển. Bên cạnh đó, bám sát tín hiệu thông tin thị trường, nâng giá trị sản phẩm, giá trị gia tăng; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại...

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...