Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở rộng liên kết, đưa nông sản xuất ngoại

Cập nhật: 10:16 ngày 27/04/2018
(BGĐT) - Với sự vào cuộc, đồng hành của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN), nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo đầu ra ổn định, đưa nhiều nông sản của tỉnh xuất ngoại, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. 
{keywords}

Người dân thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) chăm sóc dưa bao tử xuất khẩu.

Đầu ra ổn định

Đến xã Quang Thịnh (Lạng Giang) những ngày này, câu chuyện tôi được nghe nhiều nhất là việc mở rộng diện tích trồng dưa bao tử, dưa Nhật xuất khẩu. Tranh thủ lúc giải lao sau buổi chăm sóc ruộng dưa đang kỳ thu hoạch, chị Đặng Thị Châm, thôn Thanh Lương chia sẻ, năm nay gia đình trồng hơn 3 sào dưa Nhật và dưa bao tử theo hợp đồng đã ký với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Thịnh. Chị Châm được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 50% giá giống, cung ứng vật tư cần thiết như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… 

Vừa qua, thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá ổn định, trừ các khoản chi phí dự kiến gia đình thu lãi hơn 30 triệu đồng. HTX đảm nhiệm khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con với giá cao, ổn định. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Trà, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Thịnh được biết, không chỉ cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, HTX còn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Lạng Giang (Công ty G.O.C Lạng Giang). Theo đó, HTX giữ vai trò khâu trung gian kết nối giữa người dân và DN. Từng công đoạn đều được phân công rõ như người dân trực tiếp sản xuất, bảo đảm sản phẩm luôn có chất lượng cao nhất; chỉ sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng ngày, HTX tổ chức sản xuất, trực tiếp thu mua nông sản cho người dân; DN giữ vai trò chế biến, xuất khẩu sản phẩm sang Nga.

Toàn xã Quang Thịnh hiện có hơn 230 hộ tham gia trồng dưa, tổng diện tích hơn 14 ha. Nhờ được HTX thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Năm nay, giá bán cao hơn từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg so với năm trước. Trước vụ sản xuất, các hộ còn được ứng trước vốn, sản phẩm làm ra được HTX, DN thu mua, thanh toán kịp thời giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng diện tích gieo trồng. 

Tương tự, hiện nay HTX Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mỳ Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn) đang cùng 50 hộ dân và Công ty TNHH một thành viên Thương mại tổng hợp Trí Tuệ (Long An) sản xuất mỳ gạo, xuất khẩu sang Singapo và Đài Loan (Trung Quốc) với sản lượng hàng chục tấn/năm. Hay như hằng năm, các DN, HTX và người dân tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Trù Hựu… (Lục Ngạn) cũng liên kết sản xuất, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…  

Nhân rộng mô hình  

{keywords}

Những năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ mỗi đề án xây dựng chuỗi liên kết nông sản khoảng 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh giúp các HTX, DN hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới công nghệ chế biến, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn cho người dân triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết. Hy vọng với kết quả đạt được, các mô hình sẽ sớm được nhân rộng".


Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương).

Theo Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, thực hiện 8 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gồm: Dưa bao tử, ngô bao tử, rau sạch, gà đồi, nấm, cà chua bi, mỳ Chũ, thịt lợn… Bước đầu cho thấy, các chuỗi liên kết đều hoạt động hiệu quả, tạo mối liên hệ gắn kết, ổn định giữa DN, HTX và người dân, góp phần xây dựng phát triển thương hiệu nông sản, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế. 

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, nhiều nông sản của tỉnh như dưa bao tử, dưa Nhật, mỳ Chũ đã xuất khẩu sang Nga và 13 nước trong khu vực gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia… Các chuỗi liên kết cũng giúp DN xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao. Đại diện lãnh đạo Công ty G.O.C Lạng Giang chia sẻ, hiện Công ty đang cùng 5 HTX tại các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa hợp tác sản xuất với sản lượng trung bình mỗi tháng khoảng 500 tấn rau, quả chế biến. Kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp là cam kết thu mua sản phẩm với giá cao, ổn định cho nông dân. Thời gian tới Công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình trồng rau, củ, quả xuất khẩu, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trong tỉnh.     

Thực hiện chuỗi liên kết thời gian qua cho thấy, việc gắn kết, bảo đảm chữ tín, hài hòa lợi ích giữa các đơn vị, thành phần tham gia sẽ quyết định hiệu quả, giá trị của chuỗi. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, các đơn vị đều có vai trò, trách nhiệm riêng. Trong đó, khâu sản xuất quan trọng nhất, giúp tạo ra sản phẩm sạch, khẳng định chất lượng, thương hiệu. Tiếp đó, các DN, HTX thu mua, chế biến lấy chữ tín làm phương châm hàng đầu, thực hiện đúng các nội dung cam kết có trong hợp đồng. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công Thương đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý; gắn kết người dân, DN, nhà khoa học, đơn vị quản lý và người tiêu dùng trong chuỗi liên kết. Với những kinh nghiệm có được, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu triển khai, nhân rộng các mô hình này, đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...