Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải tỏa vi phạm hành lang bảo vệ đê

Cập nhật: 09:13 ngày 03/05/2018
(BGĐT) - Trước mùa mưa bão năm nay, các địa phương trong tỉnh lên kế hoạch chi tiết, xử lý các trường hợp vi phạm về đê điều. Nhiều công trình đã được giải tỏa, tháo dỡ, trả lại hành lang đê, tạo thuận lợi cho việc xử lý các tình huống phát sinh.
{keywords}

Để ngăn chặn triệt để tình trạng tập kết cát, sỏi vi phạm hành lang đê, UBND xã Bắc Lũng (Lục Nam) đổ bê tông, chặn lối lên xuống.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 3-1-2018, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu 10 huyện, TP xây dựng kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Thực hiện chỉ đạo đó, các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn xử lý vi phạm. Tại TP Bắc Giang, Phòng Kinh tế phối hợp với 9 phường, xã có đê đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự thu dọn, giải tỏa bến bãi trung chuyển vật liệu, lều lán xây dựng trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê sông Thương. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các phường, xã tại những địa phương này ký cam kết, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để địa bàn quản lý xảy ra lỗi nghiêm trọng, phát sinh nhiều vi phạm, kéo dài mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Nhờ đó, tính đến ngày 28-4, TP Bắc Giang đã giải tỏa được 10/10 trường hợp phát sinh mới với các lỗi chủ yếu là xây dựng nhà, làm đường lên xuống trên hành lang đê...

Đáng chú ý, nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ công trình sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở. Điển hình là trường hợp của gia đình ông Trần Văn Vụ, thôn Văn Sơn (xã Tân Tiến). Trước đây, gia đình ông có ngôi nhà cấp 4 xây trên mái đê. Do xuống cấp nên ông có ý định phá đi xây lại tại vị trí cũ. Nhận được thông tin, cơ quan chuyên môn của TP đã xuống tận nơi vận động nên cuối tháng 3 vừa qua, ông Vụ tự nguyện làm công trình mới ở ngoài hành lang bảo vệ đê.

Ghi nhận tại những địa phương khác cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, ở đó các lỗi được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Điển hình như tại xã Bắc Lũng (Lục Nam). Sau khi Chủ tịch UBND huyện ra quyết định tạm dừng điều hành công việc đối với ông Phạm Trọng Đường, Chủ tịch UBND xã để tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có giải quyết dứt điểm những trường hợp xâm phạm hành lang đê, địa phương đã thành lập tổ công tác, tháo dỡ các công trình vi phạm. Sau 15 ngày, xã Bắc Lũng xử lý xong 7/7 trường hợp vi phạm dọc tuyến đê Lục Nam. Hay như tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), sau khi có công văn đôn đốc, nhắc nhở của UBND huyện, Chủ tịch UBND xã trực tiếp đến tuyên truyền, vận động gia đình ông La Văn Điện, thôn Cẩm Xuyên tháo dỡ công trình phụ trên đất thuộc hành lang đê. Tại các địa phương khác của huyện Hiệp Hòa như: Thái Sơn, Quang Minh, Đại Thành, Hợp Thịnh... vai trò của người đứng đầu cũng được phát huy tối đa trong thực hiện nhiệm vụ này. 4 tháng đầu năm, huyện Hiệp Hòa đã xử lý được 33/39 vi phạm theo công văn chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Không để tái phạm

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh phát hiện, lập biên bản và xử lý 73 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, bảo đảm tiến độ đề ra. Trong đó có 12 vi phạm mới phát sinh, 20 vi phạm tồn tại cũ và 41 trường hợp theo văn bản 429 ngày 6-2-2018 của UBND tỉnh.

Theo Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh phát hiện, lập biên bản và xử lý 73 trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Trong đó có 12 vi phạm mới phát sinh, 20 vi phạm tồn tại cũ và 41 trường hợp theo văn bản 429 ngày 6-2-2018 của UBND tỉnh. Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói: “Kết quả đạt được thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo xử lý, giải tỏa các vi phạm của các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại các hành vi xâm lấn công trình đê điều, có những trường hợp dù xử lý nhiều lần vẫn tái phạm. Vì vậy, Chi cục đang đôn đốc các huyện giải quyết 70 trường hợp còn lại từ nay đến cuối năm, tránh làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Việc ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm góp phần bảo vệ an toàn, vững chắc tuyến đê, phục tốt hơn cho công tác phòng, chống lụt bão. Tùy vào đặc điểm tình hình, mỗi địa phương đều đưa ra các giải pháp cụ thể, sát thực. Kinh nghiệm tại huyện Hiệp Hòa cho thấy, cùng với lên kế hoạch chi tiết đối với những trường hợp vi phạm, Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện có công văn đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên đối với Chủ tịch UBND các xã có đê; yêu cầu nghiêm túc tổ chức lực lượng giải tỏa, cưỡng chế đối với các hộ cố tình không chấp hành. Còn tại huyện Lục Nam, sau khi giải tỏa, UBND các xã yêu cầu cá nhân, tổ chức ký cam kết không tái phạm. Cùng đó, lực lượng công an xã phối hợp với dân quân tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để phát sinh những lỗi mới. Hay như tại TP Bắc Giang, cơ quan chuyên môn đang tập trung xây dựng 79 cột mốc lộ giới tại những khu vực dễ phát sinh vi phạm. Ông Trần Văn Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Bắc Giang cho biết: “Sau khi hoàn thành cắm mốc, chúng tôi sẽ thông báo đến khoảng 4 nghìn hộ sống dọc tuyến đê trên địa bàn. Nếu để tái phạm, người đứng đầu địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...