Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác vận tải đường thủy

Cập nhật: 09:39 ngày 14/05/2018
(BGĐT) - Phát huy lợi thế từ một số dòng sông chảy qua địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị vận tải đã quan tâm khai thác các tuyến đường thủy, góp phần kết nối, chia sẻ thị phần, tải trọng hàng hóa với đường bộ, tiết giảm chi phí vận chuyển.  
{keywords}

Điểm bốc xếp hàng hóa trên sông Cầu của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại vật liệu xây dựng Hoàn Chinh.

Hướng đi hiệu quả

Được cấp mỏ khai thác đất nguyên liệu sản xuất gạch, ngói tại thôn Văn Giang, xã Huyền Sơn (Lục Nam), thời gian đầu, Công ty TNHH Vận tải Sông Lục (Lục Nam) gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển khoáng sản. Bởi lẽ các tuyến đường chạy qua đều có quy mô cấp huyện, không cho phép xe trọng tải lớn lưu thông. Phát huy lợi thế gần sông Lục Nam, từ đầu năm 2018, Công ty đầu tư tàu, thuyền chuyển hướng vận chuyển bằng đường thủy đưa đất đến nơi tiêu thụ tại các xã ven sông thuộc các huyện Lục Nam, Yên Dũng. Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Công ty chia sẻ, với công suất hơn 400 tấn, mỗi chuyến vận tải đường thủy đạt khối lượng chuyên chở của hơn 20 ô tô. Trong khi đó, đường sông ngắn, thuận tiện hơn, các chi phí kèm theo như xăng dầu, bến bãi, khấu hao phương tiện thấp hơn 50% so đường bộ góp phần giúp đơn vị giảm giá cước, nâng sức cạnh tranh.

Bắt đầu từ năm 2017, để duy trì Nhà máy sản xuất gạch không nung công suất hơn 80 triệu viên/năm và trạm trộn bê tông hàng chục nghìn m3/tuần, mỗi tháng, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại vật liệu xây dựng Hoàn Chinh, xã Quang Châu (Việt Yên) có nhu cầu nhập khoảng 160 nghìn tấn đá, cát, sỏi, xi-măng. Do Nhà máy nằm ven sông Cầu nên đơn vị sử dụng đường sông vận chuyển là chính. Theo đó, mỗi ngày có từ 3 đến 5 tàu vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu từ Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương về bãi tập kết, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), toàn tỉnh có 3 sông chính gồm sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Tổng chiều dài 354 km, trong đó 222 km đã được công bố tuyến đường thủy nội địa quốc gia bảo đảm các tàu, thuyền có trọng tải từ 40 tấn đến hơn 1 nghìn tấn lưu thông. Đến nay có 4 cảng đường sông và gần 200 bến hàng hóa được đầu tư xây dựng. Các bến mới đi vào hoạt động gồm: Tân Tiến, Đồng Sơn (TP Bắc Giang), Quang Châu (Việt Yên), Trí Yên (Yên Dũng). Nhờ có các bến thủy, một số loại khoáng sản, vật liệu rời như quặng nhôm, đất sét, dăm gỗ được "tăng bo" bằng đường bộ từ các điểm khai thác trong tỉnh và địa phương lân cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên bốc xếp lên tàu vận chuyển đến cảng tại Hải Phòng, Quảng Ninh phục vụ xuất khẩu. Đánh giá cao lợi thế vận tải thủy, nhiều DN như Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (Lục Ngạn); Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang (Lục Nam), Nhà máy gạch Thạch Bàn (Yên Dũng) và hàng chục nhà máy sản xuất gạch... đã đầu tư xây dựng trụ sở, khu sản xuất gần sông, thuận tiện cho tiêu thụ, trao đổi hàng hóa.

Nâng thị phần đường thủy

Tại hội nghị toàn quốc về logistics được Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nêu thực tế hiện có 90% vốn đầu tư hạ tầng đổ vào đường bộ song loại hình này đang quá tải. Đường thủy có nhiều lợi thế nhưng chưa được quan tâm đúng mức, do vậy cần phát triển và kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông được đánh giá thuận lợi, đem lại hiệu quả cao. Phân tích các khoản chi liên quan, anh Đinh Văn Hạnh, thuyền trưởng tàu BG 0027 cho biết, các luồng, lạch, cửa sông đều được quan tâm nạo vét giúp các tàu có trọng tải thiết kế từ 1 đến 2 nghìn tấn hoạt động thuận lợi. Mỗi tháng, anh và các thuyền viên vận chuyển từ 3 đến 5 nghìn tấn quặng từ TP Bắc Giang đến TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ở chiều ngược lại cũng có hàng nghìn tấn than đá, cát, sỏi được vận chuyển về Bắc Giang. Trừ các khoản chi phí liên quan, mỗi chuyến hàng tiết kiệm từ 400 đến 500 triệu đồng so với đường bộ. Hơn nữa, vận tải thủy cũng an toàn hơn khi đa số tàu, thuyền không chở quá khổ, quá tải; hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng rời, khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng nhưng ít làm rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường.

Khai thác thế mạnh tại địa bàn, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của đề án này nhằm phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa góp phần thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy, giảm tải cho đường bộ; thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, vận tải đường thủy nội địa chiếm khoảng 20% tổng khối lượng vận tải của tỉnh.

Để đạt mục tiêu trên, Sở GTVT đang tích cực đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục xây dựng mới các cảng đường sông tại các xã: Mỹ An (Lục Ngạn), Vũ Xá (Lục Nam), Yên Lư (Yên Dũng), Mai Đình (Hiệp Hòa). Các công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó, đơn vị khuyến khích đầu tư nâng cấp các bến tập kết tại các xã Tân Tiến, Đồng Sơn (TP Bắc Giang), Trí Yên (Yên Dũng), Quang Châu (Việt Yên) thành cảng đường sông, nâng cao năng lực bốc xếp, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường nối hệ thống đường bộ với các bến cảng, trung tâm logistics trên địa bàn; tăng cường tính kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các loại hình vận tải.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT tải khẳng định, đơn vị sẽ tham mưu với UBND tỉnh, Bộ GTVT ban hành chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, phát triển hơn nữa hạ tầng đường thủy giúp loại hình vận tải này chiếm thị phần lớn hơn, giảm tải cho đường bộ.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...