Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo đảm an toàn đê điều: Tu bổ công trình, tăng khả năng chống lũ

Cập nhật: 10:21 ngày 25/05/2018
(BGĐT) - Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra nhiều trận mưa lớn song trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện một số sự cố về đê điều. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục, góp phần bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão.
{keywords}

Kè hữu Thương Ba Tổng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) sạt lở.

Mưa ít, đê vẫn… lún

Vào đầu tháng 5, kè đê hữu Thương Ba Tổng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) bị sụt với chiều dài hơn 40 m. Nhiều mảnh bê tông, đá vỡ vụn rơi xuống lòng sông. Ngay khi phát hiện sự cố, UBND huyện Yên Dũng và cơ quan chức năng đã xử lý từ giờ đầu; che bạt chắn sóng, đề phòng mưa; cử cán bộ trực theo dõi sát sao diễn biến sạt lở. Đến đây vào chiều 22-5, chúng tôi thấy cung sạt lún xuống sâu hơn so với trước đó một tuần khoảng 30 cm. Cách đó không xa, đoạn kè trên tuyến có mảng lõm vào thân đê, tạo thành hoắm sâu, đe dọa đến an toàn công trình. Theo đánh giá bước đầu, dòng chảy áp sát vào chân đê cộng với kè xây dựng từ lâu trên nền địa chất yếu đã khiến lớp đá bong, lún sâu.

Tuy nhiên tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn tới nước chảy xoáy, thúc thẳng vào thân đê là do trong phạm vi thoát lũ sông Thương có một công trình hoạt động xâm lấn dòng chảy. Đó là Nhà máy gạch Hải Phú, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) nằm ở phía đối diện (thuộc đê tả Thương) với khu vực kè sạt trượt. Công trình này được UBND huyện cấp phép, xây dựng và đi vào hoạt động năm 2010 gồm các hạng mục như: Lò vòng, khu đốt, sản xuất, sân phơi gạch. Ngoài ra, chủ nhà máy còn chứa đất dự trữ cao vút, làm nhà cho công nhân nghỉ ngơi sát mép sông. Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Xây dựng Nhà máy và các phần phụ trợ đã cản trở dòng chảy, ảnh hưởng lớn việc thoát lũ trên sông, nhất là trong mùa mưa bão, nước dâng cao”. Chính vì thế, theo người dân nơi đây, vài năm trước tuyến đê này từng xảy ra mạch đùn, mạch sủi.

Trên tuyến đê sông Lục Nam cũng xảy ra một số đoạn sạt lở. Ví như đoạn đê hữu Lục Nam có cung sạt bờ sông liên tục với chiều dài 150 m, ăn sâu vào bãi từ 5-7 m; tại xã Yên Sơn cung sạt có chiều dài 35 m. Sở dĩ có tình trạng này là bởi khu vực thường xuyên có tàu khai thác cát sỏi trái phép hoạt động gần bờ. Theo Chi cục Thủy lợi, ngoài các sự cố nêu trên, toàn tỉnh còn nhiều khu vực có nguy cơ mất an toàn như: Đê tả Cầu, đoạn K49+800-K50, xã Ninh Sơn và K41+500-K48+800, xã Tiên Sơn (Việt Yên); đê hữu sông Lục Nam đoạn K0+00-K21+350.

Xây dựng phương án sát thực

Để bảo đảm an toàn tuyến đê, Chi cục Thủy lợi đã xây dựng kế hoạch tu bổ đê điều giai đoạn 2017-2020 gồm: Tu bổ đê điều thường xuyên hằng năm; nâng cấp, cải tạo chống sạt lở đê hữu sông Lục Nam; tu sửa đê, kè tuyến tả sông Cầu tại địa bàn huyện; nâng cấp, cải tạo, chống sạt lở đê hữu Thương.

Trở lại dòng chảy sông Thương, đoạn qua xã Tiến Dũng (Yên Dũng) bị thay đổi, gấp khúc rõ ràng là khi cấp phép xây dựng lò sản xuất gạch, địa phương đã không tính toán đến việc thoát lũ; không giám sát chặt chẽ để doanh nghiệp làm một số hạng mục trái quy định. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Chi cục Thủy lợi cho biết, khi cấp phép xây dựng công trình, huyện đã không xin ý kiến của ngành nông nghiệp về dòng chảy, cao trình thiết kế. Khắc phục tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc với UBND huyện Yên Dũng, UBND xã Lãng Sơn, đại diện Nhà máy gạch. Qua đó, yêu cầu nhà máy gạch phải tháo dỡ các hạng mục vi phạm trong tháng 5. Cùng đó, UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Dự án các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng phương án, thiết kế kỹ thuật xử lý khẩn cấp sự cố. Dự kiến công trình được khởi công vào cuối tháng 5 bằng thả đá rời hộ chân chống hẫng, đổ bê tông mái kè với tổng kinh phí tạm tính khoảng 7 tỷ đồng. Một số ý kiến đề xuất, về lâu dài không nên gia hạn cho nhà máy khi hết thời hạn cấp phép hoạt động vào cuối năm nay.

Riêng sạt lở bãi sông tại Lục Nam, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với địa phương đã bạt phần đất đỉnh cung sạt, giảm tải, hạn chế vách đứng bờ sông thuộc xã Bắc Lũng, Yên Sơn. Trồng cỏ để hạn chế xói lở; tổ chức cắm tiêu, mốc cảnh báo; ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không để cung sạt lan rộng, giúp nông dân yên tâm canh tác, chăn thả gia súc. Một số sự cố khác, Chi cục Thủy lợi đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành như: Kè lát mái đê tả Cầu xã Châu Minh, Xuân Thành (Hiệp Hòa) dài 600 m; kè lát mái đê tả Cầu, xã Quang Châu (Việt Yên).

Đê điều có vai trò quan trọng bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân khi xảy ra mưa lũ. Do đó, công tác bảo đảm an toàn công trình này phải được đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, tỉnh không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp tất cả các tuyến đê nên cơ quan chuyên môn, các huyện, TP phải xây dựng phương án bảo vệ đê sát với tình hình thực tế như: Vật tư, nhân lực, diễn tập thực hành.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...