Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mấu chốt để tăng năng suất lao động là cơ cấu lại nền kinh tế

Cập nhật: 08:03 ngày 12/06/2018
Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Vậy giải pháp nào để cải thiện tình trạng này, bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Quang Huy (Đoàn Nghệ An), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội) đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

{keywords}

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Lê Quang Huy phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thấp, khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế và quốc gia yếu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? 

Trước hết cần khẳng định rằng, thời gian qua năng suất lao động của Việt Nam tăng đều với tốc độ tương đối nhanh, 10 năm gần đây khoảng gần 5%. Năm 2017 là 6%. Nhưng rõ ràng khoảng cách tăng năng suất lao động của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực càng ngày có xu hướng càng cách xa hơn. Theo thống kê, trong năm 2016-2017, năng suất lao động nước ta đạt khoảng trên 93 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 4.200 USD/người/năm. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Singapore, chỉ bằng 7%; so với Thái Lan gần bằng 40%; và bằng 87% của Lào. 

Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất là do cơ cấu của nền kinh tế. Khu vực có năng suất cao như: Ngân hàng, dịch vụ, tài chính, cung cấp dịch vụ công nghệ cao nhưng đóng góp vào GDP lại không lớn. 

Thứ hai khu vực nông lâm ngư nghiệp, lực lượng lao động tham gia rất đông nhưng năng suất của khu vực đó lại thấp, chỉ gần 1/3 năng suất khu vực chung của cả nền kinh tế và bằng 1/4 năng suất của khối dịch vụ. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa chuyển dịch được sang lĩnh vực có năng suất lao động cao. Mặc dù thời gian đã có sự chuyển dịch từ lĩnh nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực chế biến, chế tạo thì năng suất không được cao. 

Nguyên nhân thứ ba, như đã biết doanh nghiệp là khu vực tạo ra của cải, vật chất và năng suất lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có đến trên 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, quy mô, nguồn nhân lực và nguồn lực dành cho công nghệ là rất hạn chế. Điều này dẫn đến năng suất không cao. Năng lực tự thân của doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh sản xuất còn đang yếu, gặp nhiều khó khăn trong môi trường đầu tư, kinh doanh, trong tiếp cận tín dụng, thị trường … trong khi đây là chủ thể chính để tăng năng suất, như vậy thì khó có thể tăng năng suất cho cả nền kinh tế. 

Về nguyên nhân thứ tư, đây được xem là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động. Yếu tố này chính là  khoa học và công nghệ. Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng mới, nhưng việc ứng dụng thành tựu hiện nay trong khoa học và công nghệ vào nền kinh tế, vào  sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này thể hiện qua việc trang thiết bị công nghệ của ta nếu chỉ so với các nước trong khu vực thì đã lạc hậu 2-3 thế hệ; 70-80% trang thiết bị là cũ, hết khấu hao, là máy móc tân trang. Ngoài ra, kỹ năng quản trị, quản lý doanh nghiệp, quy trình sản xuất… rất chậm đổi mới. Điều này ảnh hưởng xấu đến năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Nói thêm về yếu tố trong doanh nghiệp, có thể nói chất lượng của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực lao động được đào tạo bài bản có chất lượng còn chiếm tỷ lệ nhỏ.  Lực lượng lao động là chủ thể tạo ra năng suất lại đang thiếu kỹ năng cho nên khó có thể tạo ra năng suất lao động cao. Chất lượng nguồn nhân lực đang có vấn đề khiến cho năng suất lao động thấp. 

Vấn đề nâng cao năng suất lao động đã được đề cập đến nhiều, vậy tại sao chúng ta vẫn chưa giải quyết được, thưa ông? 

Như đề cập ở trên năng suất lao động là yếu tố căn cốt quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nhưng đây là vấn đề không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết ngay được. 

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là khâu đột phá của chúng ta. Việc đào tạo nguồn nhân lực, đưa tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, thay đổi mô hình kinh doanh doanh nghiệp đáp ứng với công nghệ mới để tăng năng suất… là những vấn đề cần một quá trình mới giải quyết được. Ví dụ như để giải quyết được các vấn đề về cơ cấu nền kinh tế, kéo năng suất lao động lên được, hay đào tạo nguồn nhân lực thì cũng cần có chiến lược lâu dài… 

Mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến nội dung này nhưng để giải bài toán năng suất lao động cần một giải pháp tổng thể, cần có thời gian. Vấn đề là chúng ta phải nhận dạng ra được những hạn chế để quyết tâm khắc phục đến cùng. 

Để cải thiện năng suất lao động theo ông cần thực hiện những giải pháp gì?

Đảng, Nhà nước đã xác định việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết buộc phải làm mạnh mẽ, quyết liệt, làm đến cùng. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, trong xu hướng phát triển khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong thời gian vừa qua chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn trong quá trình cải thiện năng suất lao động của nước ta. Cộng với những thách thức nội tại của nền kinh tế thì câu chuyện tăng năng suất lao động cần phải có quyết tâm chính trị rất cao. 

Trước mắt, chúng ta phải thực mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vì các dư địa như vốn, tư liệu sản xuất, tài nguyên đã cạn kiệt. Cần chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ vì nơi đó có năng suất lao động cao hơn. Nông nghiệp cũng phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để phát huy sức lao động, tăng năng suất lao động. Khoa học công nghệ là mấu chốt cốt lõi để tăng năng suất. Hiện một số doanh nghiệp dệt, may mặc đã đưa máy móc, rô bốt vào sản xuất thay thế nhiều công nhân lao động, năng suất lao động tăng lên. 

Tuy nhiên, có một vấn đề là khi đưa ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa thì lực lượng lao động mất việc, dôi dư ra sẽ xử lý thế nào? Ví dụ như vừa qua khi Uber hay Grab vào nước ta, một số công ty taxi như Vinasun, Mai Linh…đã phải dừng nhiều xe và hàng nghìn lái xe nghỉ việc, một số doanh nghiệp dệt may cũng vậy. Do đó, lực lượng lao động bị dôi dư ra phải chuyển đổi, đào tạo cho họ kỹ năng để có kỹ năng mới mà máy móc không thể thay thế. Quan trọng là Nhà nước phải tạo dựng thể chế chính sách ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, vì đó là nơi tạo động lực năng suất lao động cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần đưa năng suất lao động tăng lên. 

Căn cốt nhất của tăng năng suất vẫn nằm ở khối doanh nghiệp; trong đó ổn định chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ cần cụ thể hóa. Vì tăng năng suất mới tăng năng lực cạnh tranh, có nguồn thu mới tăng thu nhập và có nguồn để tăng lương. Đây là những mối quan hệ biện chứng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tin tức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...