Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dân vận khéo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Việc khó thành dễ

Cập nhật: 09:52 ngày 22/06/2018
(BGĐT) - Những năm qua, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Qua đây những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân. 
{keywords}

Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều hộ dân thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn (Lạng Giang) hiến đất mở rộng đường làng.

Bản, làng đổi mới

Bản, làng vùng đồng bào DTTS sinh sống những năm gần đây có nhiều đổi mới, nổi bật là hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang. Có được kết quả này ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước còn có vai trò quan trọng của công tác dân vận khéo. Cụ thể như xã miền núi Hương Sơn (Lạng Giang) có 57% số dân là người Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, Hoa... 5 năm qua, công tác dân vận được thực hiện tốt đã thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Xã ngày càng có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, năm 2017 gần 100 hộ đã thoát nghèo, hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Được biết, xã có 36 mô hình dân vận khéo, trong đó nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; xây dựng nông thôn mới; cựu chiến binh tự quản an ninh trật tự... Theo Bí thư Chi bộ thôn Đồng Thủy Lý Văn Đức, cư dân trong thôn chủ yếu là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Để giúp người dân hiểu và chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chi bộ thôn luôn chú trọng công tác dân vận. 

Dịp tháng 4 vừa qua, được tỉnh hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông, thôn tổ chức họp dân bàn việc mở rộng đường từ 1,5 m lên 3 m với chiều dài hơn 2 km. Sau một thời gian ngắn vận động, hơn 100 hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình phụ, tường bao, chặt cây ăn quả để hiến hơn 6 nghìn m2 đất. Những hộ còn lại tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công để làm đường.

Tại xã Vô Tranh (Lục Nam) những ngày này, nhiều tuyến đường làng "khoác áo mới". Xe chạy bon bon trên các con đường bê tông phẳng lì; nhà văn hóa, kênh mương được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã là cấp ủy, chính quyền nơi đây đã chỉ đạo làm tốt công tác dân vận. 

Còn nhớ năm 2016, để phục vụ nước tưới tiêu cho diện tích canh tác của thôn Đình Gàng, tổ dân vận thôn đã họp bàn, vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền của tu sửa kênh, trạm bơm nước. Sau hơn hai tuần triển khai, các hộ đồng lòng đóng góp 20 triệu đồng làm kênh dẫn nước từ Trạm bơm Bãi Bò đi cánh đồng Đọt, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới sản xuất cho 20 ha lúa. 

Ông Vũ Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh cho biết: “Các thôn, bản như: Quảng Hái Hồ, Ao Vè, Đình Gàng có đông người DTTS sinh sống. Khi thực hiện công tác dân vận, cấp ủy thường xuyên chỉ đạo các đoàn thể ở cơ sở phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản, người có uy tín để nắm bắt tâm tư nguyện vọng bà con. Lựa chọn xây dựng các mô hình dân vận khéo trong đồng bào DTTS cho phù hợp”. Đến nay, 100% tổ dân vận tại các thôn trong xã đều xây dựng mô hình dân vận khéo; mỗi hội, đoàn thể, MTTQ làm từ 1-2 mô hình điểm.

{keywords}

Nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua dân vận khéo, đồng thời khuyến khích, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tới đây, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức biểu dương 88 điển hình “ Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS”.


Ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Phát huy vai trò người có uy tín

Theo ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, công tác dân vận có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng DTTS. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. 

Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được hơn 2 nghìn mô hình dân vận khéo trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có 938 mô hình kinh tế, 754 mô hình văn hóa xã hội, 400 mô hình an ninh, quốc phòng...

Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo phòng dân tộc các huyện miền núi phối hợp với các đơn vị chuyên môn, cán bộ địa phương làm tốt công tác dân vận và xây dựng các mô hình dân vận khéo điển hình. Đặc biệt là phát huy vai trò người có uy tín, già làng trưởng bản ở địa phương đảm nhiệm công tác này. Tại Yên Thế, các già làng, trưởng bản luôn gương mẫu đi đầu vì lợi ích chung. Mới đây già làng Nông Minh Hiên, bản Tam Kha, xã Xuân Lương đã vận động bà con hiến gần một nghìn m2 đất, hàng chục triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay.

Mỗi già làng, người có uy tín đều có cách làm riêng, sáng tạo và hiệu quả. Họ vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hưởng ứng các phong trào thi đua của địa phương... Được biết, thời gian tới, để thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn, biểu dương, nhân rộng các mô hình dân vận điển hình; quan tâm chế độ đãi ngộ đối với già làng, trưởng bản nhằm nâng cao hiệu quả vận động đồng bào vùng DTTS xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trịnh Lan- Hoàng Phương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...